Thách thức với báo chí chống tham nhũng

Kết quả nghiên cứu của một số cơ quan và chuyên gia độc lập cho thấy một thực trạng đáng ngại: Số lượng các bài báo chống tham nhũng, sự tham gia của báo chí trong việc vạch trần các vụ án tham nhũng lớn, đã giảm hẳn trong những năm vừa qua, đặc biệt từ sau sự cố PMU18 (năm 2008).

Hôm nay 15/10 và ngày mai 16/10 sẽ liên tiếp có hai hội thảo quốc tế về phòng chống tham nhũng tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh, trong đó đều nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ của báo chí trong công cuộc chống “giặc nội xâm” đầy gian khó này. Để bạn đọc nhận diện rõ hơn hiện trạng báo chí đưa tin về tham nhũng hiện nay, Báo NNVN xin giới thiệu những kết quả nghiên cứu gần đây của Thanh tra Chính phủ và các nhóm chuyên gia – nhà báo về vấn đề này.

Báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ của một chuyên gia về truyền thông (đề nghị được giấu tên) cho biết, trong 5 năm kể từ 2006 đến 2011, lượng tin bài liên quan đến chống tham nhũng, tính trên một số tờ báo thuộc diện lớn nhất Việt Nam, đã giảm đều, trong đó thấp nhất là giai đoạn 2008-2009, nghĩa là ngay sau vụ bắt hai nhà báo trong biến cố PMU18.

Đáng chú ý, hầu hết các tin bài đăng tải đều chỉ xoay quanh các vụ tham nhũng ở địa phương, mặc dù những tờ báo được khảo sát đều là cơ quan báo chí trung ương hoặc có độc giả trên toàn quốc. Cụ thể hơn, công cuộc chống tham nhũng chủ yếu là “đánh” ở cấp tỉnh. Tham nhũng ở cấp xã, huyện ít được đề cập; và hầu như báo chí không còn đề cập đến các vụ án lớn với quy mô cỡ PMU18, ở cấp trung ương. (Báo cáo thực hiện trước năm 2012, khi thông tin về các vụ Vinalines, Vinashin chưa được công bố).

Vị chuyên gia này đặt câu hỏi, vì sao lại như vậy? Do tham nhũng cấp huyện, xã bị coi là quá vặt vãnh, chuyện của địa phương, còn cấp trung ương thì quá ít tham nhũng? Hay do báo chí khó tiếp cận với thông tin “cấp cao”, và việc đưa tin, viết bài điều tra về các vụ tham nhũng lớn là quá nguy hiểm?

Khó khăn lớn- tiếp cận thông tin

Một trong các khó khăn dẫn đến việc báo chí không phát huy được vai trò đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề tiếp cận thông tin. Không có bằng chứng trực tiếp, nhưng nhiều nhà báo cảm nhận rằng, dường như sau vụ PMU18, các giới chính quyền tỏ ra thận trọng hơn, ít cởi mở hơn với báo chí.

Nhà báo Nguyễn Bá Kiên (Trưởng ban Kinh tế, báo Tiền Phong), trong tham luận tại một hội thảo về báo chí, tháng 2 năm nay, dẫn ra trường hợp Đà Nẵng, vốn được coi là thành phố năng động và “đáng sống” nhất nước: “Đây là địa phương có nhiều điểm sáng trong việc xử lý các vấn đề xã hội như: quản lý đô thị, phòng chống tệ nạn, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu kiện… Tuy nhiên, không phải tất cả những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống cũng như hoạt động của chính quyền thành phố với người dân đều tốt cả, song báo chí rất ít thông tin về những bất cập này. Vì sao?”.

Câu trả lời, theo ông Bá Kiên, là tình trạng cản trở tác nghiệp đối với phóng viên, nhà báo: “Theo tìm hiểu từ các phóng viên thường trú, phần lớn phóng viên thường chỉ được tạo điều kiện để viết về những vấn đề tốt, có ý khen ngợi, còn tiếp cận với những vấn đề tiêu cực, những vấn đề mà chính quyền làm chưa tốt, thì hầu như rất khó khăn, không được tạo điều kiện cung cấp thông tin chính thống. Chưa kể, từ sau khi ông Nguyễn Bá Thanh thôi chức chủ tịch UBND TP sang làm công tác Đảng, thì thành phố không còn duy trì họp báo chí định kỳ hàng tháng hay hàng quý để cung cấp thông tin”.

Ông cho biết thêm, việc họp báo để công bố kết luận thanh tra (theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng) của cơ quan chức năng gần như không xảy ra. Phóng viên báo Đà Nẵng phản ánh, nhiều khi phải “đi lại tới 5-7 lần may ra mới lấy được cái tin”.

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) năm 2011 cũng cho thấy, hoạt động báo chí thường xuyên bị cản trở dưới nhiều hình thức khác nhau. Đáng chú ý là có tới 75,26% nhà báo được hỏi nói rằng họ từng bị cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước cản trở tác nghiệp, bằng những cách thức “đơn giản” như từ chối gặp, gây khó dễ, hoặc nghiêm trọng như đe dọa, thu giữ phương tiện, trả thù sau khi báo đăng bài…

Báo chí “mất lửa”?

Một khảo sát nhỏ mới đây trên 92 thành viên của Diễn đàn Nhà báo trẻ cho thấy: Với câu hỏi “Vì sao dạo này báo chí ít bài điều tra tiêu cực?”, 33 người trả lời: “Do nhà báo sợ tai nạn”, 36 người cho rằng: “Do các vụ tiêu cực nêu ra bị chìm xuồng”. Ngoài ra còn một vài nguyên nhân khác như: do nhà báo không được khuyến khích làm việc này (nhuận bút thấp, lãnh đạo không có chủ trương); do thiếu tài liệu, chứng cứ; …

Nói tinh thần chống tiêu cực của nhà báo (có chiều hướng giảm sút), vị chuyên gia về truyền thông nói trên nhấn mạnh: “Xét tổng thể, hoạt động kiểm duyệt đang gia tăng dần đều từ sau vụ PMU18, gồm cả kiểm duyệt của cơ quan quản lý lẫn việc tự kiểm duyệt của phóng viên, biên tập viên”, “Rất nhiều nhà báo chống tiêu cực thuộc diện tài năng và có kỹ năng nhất hoặc là bỏ nghề (vì chán nản, thất vọng), hoặc là mất việc. Tất nhiên vẫn còn một nhóm nhỏ có kinh nghiệm, nhưng tôi thấy dường như ngày càng có nhiều nhà báo trẻ và thiếu kinh nghiệm đang phải tự bơi”.

Việc tiếp cận thông tin trong mỗi lĩnh vực lại có mức độ khó khăn khác nhau. Theo báo cáo, báo chí đề cập tới tiêu cực trong các ngành đất đai, xây dựng, ngân hàng, tài chính thì có vẻ thường xuyên hơn là đến y tế, giáo dục, …

Bản báo cáo sơ bộ năm 2011 về báo chí chống tiêu cực cũng cho rằng còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến sự suy giảm về số lượng tin bài chống tham nhũng trong vài năm qua, như yếu tố kinh tế. Quy luật chung là kinh tế càng ảm đạm, thì các chính quyền càng có xu hướng lo ngại bất ổn xã hội, và do đó càng đẩy mạnh việc “định hướng” truyền thông hơn.

Đoan Trang
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Share