Thỏa thuận hợp tác hạt nhân Hoa Kỳ – Việt Nam

Bất kỳ thỏa thuận hợp tác hạt nhân nào giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vào ngày 10 tháng Mười vừa qua, Ngoại trưởng John Kerry tiết lộ rằng trong khi một nhóm các nhà đàm phán thuộc Bộ Ngoại giao đang cố gắng thuyết phục Iran từ bỏ chính sách sản xuất nhiên liệu hạt nhân [và vũ khí hạt nhân] thì một nhóm khác đang đàm phán Hiệp định Hợp tác Hạt nhân Dân sự giữa Hoa Kỳ–Việt Nam. Ngoại trưởng Kerry cũng cho biết hiệp định này không bao gồm các khung pháp lý dẫn đến chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Sự chênh lệch này sẽ không thoát khỏi sự chú ý của các nhà đàm phán Iran. Việc này cũng sẽ hạn chế những quy định mà Hoa Kỳ đề ra với Hàn Quốc trong chương trình thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự với Seoul. Quốc hội Hoa Kỳ sẽ có cơ hội để xem xét lại các thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam trong tháng Mười hai tới đây, và họ cần nói không với chương trình này.

US-Vietnam sign nuclear deal

Lý do mà các quan chức Hoa Kỳ đồng ý thỏa thuận chương trình hạt nhân lỏng lẻo với phía Việt Nam để Washington có thể thu về hàng tỷ đô la trong việc xuất khẩu hạt nhân và tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm mới giới công nhân Hoa Kỳ. Đó cũng là lập luận dành cho thỏa thuận với Ấn Độ hồi năm 2008, còn được biết đến với tên Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân (Nuclear Nonproliferation Treaty). Những lợi ích kinh tế trong thỏa thuận này hóa ra chỉ là ảo tưởng. Triển vọng về công ăn việc làm trong thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng mờ nhạt không kém so với chương trình với Ấn Độ.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giữ quan điểm lạc quan về ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân. Ngoại trưởng Kerry nói rằng chương trình hạt nhân năng lượng của Việt Nam có thể sẽ tăng lên đến 50 tỷ USD vào năm 2030. Đầu năm nay, Thứ trưởng Rose Gottemoeller đã thông báo rằng số lượng xuất khẩu năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ có thể lên đến 100 tỷ USD trong mười năm tới. Bà Gottemoeller quả quyết rằng với hiệp hội ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân mà Tổng thống Obama ủng hộ trong thời gian qua đã thành lập ra một liên ngành hạt nhân “Team U.S.A.” để giúp ngành này phát triển. Được trang bị với những dự báo trên, nhóm nghiên cứu này hiện đang hướng đến Việt Nam.

Hiện có rất nhiều lý do cần thận trọng đối với chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam. Việt Nam cho đến nay không có cơ quan an toàn đầy đủ về ngành hạt nhân. Các nhà máy ven biển sẽ rất nguy hiểm trước hiểm họa sóng thần. Hơn nữa, Việt Nam vẫn thiếu các cơ sở hạ tầng cần thiết cho chương trình tầm cỡ quốc tế này. Một dự án hạt nhân do Nga xây dựng hiện đã bị trì hoãn đến năm 2017. Việt Nam đồng thời cũng là một nước công an trị khá khắc nghiệt, nơi ý kiến dư luận thường không được chính quyền lắng nghe một cách đúng đắn. Đối với những lý do này, Hoa Kỳ nên tăng cường các điều kiện trong chương trình hợp tác hạt nhân với Hà Nội. Ngoài ra, việc không đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân là một điều hết sức nguy hiểm.

Các chương trình hạt nhân dân sự đối với các quốc gia có khuynh hướng như vậy rất dễ dẫn đến chương trình xây dựng vũ khí hạt nhân. Và tiếp cận với công nghệ nhiên liệu hạt nhân (hãy nghĩ về tình trạng tại Iran) có thể dẫn họ sang một lựa chọn khác, tức thành lập kho vũ khí hạt nhân. Hầu hết các chính phủ không có ý định chế tạo bom hạt nhân. Nhưng các chính phủ có thể thay đổi, và khi họ thay đổi thì lựa chọn này vẫn luôn chờ chực. Cách duy nhất để duy trì mức hợp lý về an toàn trong các chương trình hạt nhân ở nước ngoài là buộc các nước này từ bỏ ý định sản xuất nhiên liệu hạt nhân bằng cách làm giàu uranium hoặc bằng cách tách hóa plutonium. Điều này cũng đã được nêu ra một cách sâu sắc trong chính sách hạt nhân của Tổng thống Carter và Tổng thống Ford cũng như chính sách quan hệ đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu của Tổng thống George W. Bush.

Thực sự dưới thời Tổng thống George W. Bush thì Washington mới thực hiện thỏa thuận hạt nhân với United Arab Emirates kèm theo điều kiện cấm tạo nhiên liệu cho các hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân. Điều này đã được biết đến với tên gọi “tiêu chuẩn vàng” trong các chương trình hợp tác hạt nhân. Chúng ta nên giữ vững những quy tắc này với các nước mà chúng ta hợp tác, trong khi thuyết phục những quốc gia muốn hợp tác cùng đi theo chính sách tương tự. Chỉ bằng cách này thì chúng ta mới có thể tiếp tục các chương trình năng lượng hạt nhân ở nước ngoài một cách hợp lý nhằm đảm bảo rằng họ không lạm dụng chương trình này để tạo vũ khí hạt nhân.

Thật không may, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dường như không chia sẻ quan điểm này. Họ thích đàm phán theo cách tiếp cận linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, và cho rằng các nỗ lực trong việc áp dụng một chính sách thống nhất chặt chẽ như vậy là một trở ngại để đạt được các cam kết mà họ mong muốn. Vấn đề là nếu thiếu tự tin ngoại giao như vậy thì cuối cùng sẽ dẫn đến một thế giới với nhiều quốc gia có được công nghệ hạt nhân và công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nhạy cảm với lời chỉ trích này, Washington đã cho rò rỉ ra những câu chuyện rằng chúng ta không có gì phải lo lắng về thỏa thuận hiện nay bởi vì Việt Nam đã có “cam kết chính trị” không tham gia vào các hoạt động hạt nhân nào đáng lo ngại. Nhưng lời hứa chính trị không tương tự như một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý. Và trong khi Việt Nam có thể sẽ không bao giờ tham gia vào việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân, hoặc thậm chí hoàn thành nhà máy hạt nhân đầu tiên của họ, nhưng thỏa thuận này sẽ là tiền lệ ảnh hưởng rất lớn đến các cuộc đàm phán khác trong tương lai với những nước khác.

Trong thực tế thì sự bí mật xung quanh Hiệp định Hạt nhân Dân sự với phía Việt Nam vẫn còn có nhiều điều chưa ổn. Thậm chí sau khi Ngoại trưởng Kerry thông báo về kế hoạch này thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chưa có văn bản công khai nào cụ thể. Ngay cả Quốc hội cũng chưa được nhìn thấy các văn bản đó. Bộ Ngoại giao cung cấp các thông tin cho các quan chức trong Bộ nhưng lại loại trừ nhân viên của họ. Thượng viện đã sử dụng sự tín nhiệm của mình để từ chối sự sắp xếp này. Tất cả những điều này đều không đạt yêu cầu dựa trên Đạo luật Năng lượng Nguyên tử buộc tất cả thông tin phải được “thông báo đầy đủ” cho Quốc hội.

Để bác bỏ thỏa thuận này với Việt Nam, cả hai viện của Quốc hội sẽ phải thông qua một dự luật và phủ quyết thỏa thuận này. Cho dù điều này có thể làm được hay không thi Quốc hội cũng cần phải thể hiện sự không hài lòng của mình. Như vậy có thể cũng đã đủ để buộc Bộ Ngoại giao siết lại thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam như họ đã từng làm trước đây hồi năm 2010 khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra một phiên bản tương tự nhưng không đáp ứng được các “tiêu chuẩn vàng”, và Quốc hội phàn nàn về điều này.

Lần này và các cuộc đụng độ trước đây với Bộ Ngoại giao về các chương trình hạt nhân cho thấy rõ ràng rằng Capitol Hill đã giành quá nhiều quyền lực trong việc thỏa thuận hợp tác chương trình hạt nhân dân sự – mà phần nhiều là nằm trong ngành Hành pháp. Trong kỳ Quốc hội vừa qua, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã nhất trí thông qua dự luật (HR–1280 ) yêu cầu thỏa thuận hợp tác hạt nhân không kèm theo “tiêu chuẩn vàng” cần phải được đưa ra cả hai viện để bỏ phiểu. Bởi vì các thỏa thuận dành cho Việt Nam không đáp ứng được những điều kiện này nên Quốc hội cần thúc đẩy ông Kerry trì hoãn thỏa thuận hạt nhân với Hà Nội. Sau đó [Quốc hội] mới nện cho Bộ Ngoại giao một trận liên quan đến thỏa thuận này.

Bảo Anh chuyển ngữ, theo Phía Trước
Victor Gilinsky & Henry Sokolski, National Review Online

_________

Victor Gilinsky là một nhà tư vấn năng lượng và từng phục vụ hai nhiệm kỳ trong Ủy ban Điều hành Hạt nhân Hoa Kỳ. Henry Sokolski là giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách Giáo dục Không Phổ biến Hạt nhân và biên tập viên cuốn sách sắp xuất bản “Moving Beyond Pretense: Nuclear Power and Nonproliferation”.

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013         

Share