Thư ngỏ gửi Ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng

Thư ngỏ gửi Ngài Tổng Bí thư 
Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng

 

Ottawa, ngày 17 tháng 9 năm 2018

Kính thưa Ngài Tổng Bí thư,

Mùa thu năm nay bắt đầu với những cơn bão, trận lốc kinh hoàng gợi nhớ lại cuộc Cách mạng tháng Tám mùa thu Việt Nam giành lại độc lập 73 năm trước – một chặng đường gian khổ nhân dân đã kinh qua.

Thời gian đó là giai đoạn lịch sử sang trang tuyệt vời, lòng người chan chứa biết bao hy vọng, dù không phải không có những góc khuất.

Nhìn lại lịch sử từ đó, chúng ta người Việt không khỏi không có những suy nghĩ lẫn lộn – lúc thì tự hào, phần thì ưu tư, khi thì bức xúc, tranh cãi.

Có những điều cần ca ngợi, chúng ta ca ngợi sức chịu đựng của nhân dân Việt Nam, tinh thần dũng cảm của người lính Việt Nam ở mọi miền đất nước, các bà mẹ Việt Nam anh hùng… hơn là ca ngợi ai thắng ai, ai hơn ai.

Nhưng có những điều không thể ca ngợi mà chỉ là sự hối tiếc, như đấu tranh giai cấp gây nhiều tan thương ở thế kỷ trước, tù đày những người yêu nước hiện nay, lãnh đạo chưa xem người Việt là đồng bào, vẫn còn chiến tuyến ý thức hệ thù địch giữa người Việt trong khi các đế quốc cựu thù tất cả đã bắt tay nhau.

Quá khứ đã là lịch sử. Vấn đề xã hội là vấn đề chung. Con người là tài sản quý giá của quốc gia. Quốc gia không có hận thù. Có cùng hiểu như vậy thì mới coi trọng đồng bào và sống trong tình tự dân tộc.

Thiết nghĩ, nếu như Việt Nam ban hành Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 1946 thì có lẽ đã không có 20 năm cuộc chiến Nam–Bắc huynh đệ tương tàn, hàng triệu đồng bào đã không bị mất mạng, đất nước chúng ta không phải chia đôi rồi lại thống nhất.

Việt Nam tuy đã thống nhất đất nước về mặt địa lý gần nửa thế kỷ nhưng lòng người vẫn chưa thống nhất. Biến cố năm 1975 đã để lại cho đất nước và các thế hệ nối tiếp biết bao hệ lụy như hôm nay.

Sau khi thống nhất đất nuớc, thay vì hòa giải dân tộc, đoàn kết quốc gia, xây dựng pháp luật chuẩn mực cho nền tảng quốc gia, tạo lập công bằng xã hội, tạo cơ hội phát triển toàn diện thì lại “cải tạo” nóng vội gây nhiều sai lầm đáng tiếc. Dù ngày nay đất nước có thay đổi nhưng lãnh đạo cần thay đổi nhanh hơn nữa cho xã hội phát triển toàn diện.

Giá như lãnh đạo tranh đấu vì mục tiêu xã hội công bằng được thực hiện đúng thì nhà nước pháp quyền nhân dân làm chủ đã hiện thực. Đó mới là thành tích cách mạng to lớn, một trang sử quốc gia để đời.

Nói ra như vậy để chúng ta đều thấy tầm quan trọng của đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực. Không phải chỉ có nói “mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” mà lãnh đạo phải thấy tầm quan trọng của pháp luật chuẩn mực trong việc hỗ trợ chính quyền, bảo vệ dân quyền, ổn định xã hội và phát triển đất nước, thay vì làm khác rồi ám ảnh lo sợ bị lật đổ, dẫn đến việc tăng cường an ninh và bắt người trái pháp luật gây tổn phí ngân sách quốc gia, ảnh hưởng đến uy tín nhà nước.

Độc lập và lệ thuộc nước ngoài là hai xu thế trái nhau. Không có nhà nước pháp quyền nhân dân làm chủ thì quốc gia khó có được độc lập tự chủ.

Đoàn kết quốc gia và phe đảng đối kháng là hai khuynh hướng với hai ý tưởng khác nhau. Chúng ta không nói đến khoan dung, nhưng nếu không có bao dung thì không thể tiến tới đoàn kết quốc gia. Trong khi đoàn kết là sức mạnh, là nguyên tắc quốc gia, là trách nhiệm lãnh đạo, là con đường duy nhất cho mọi thành phần xã hội cùng đi.

Tuy khác về phương thức lãnh đạo và tầm nhìn chính trị khi Đảng Dân chủ Việt Nam phục hoạt vào năm 2006, nhưng Đảng Dân chủ đã từng đồng hành với Đảng Cộng sản suốt thời kỳ từ những năm 1944 đến 1988. Đảng Dân chủ Việt Nam tin rằng việc đảng cầm quyền phối hợp với các thành phần xã hội để cải tổ đất nước qua đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực là điều thiết yếu.

Chúng ta đều hiểu nguyên tắc một nhà nước chính danh đòi hỏi yếu tố nhân dân làm chủ. Nhân dân làm chủ không hiện thực thì không có nhà nước chính danh và cũng không có nước nào có thể ban phát tính chính danh cầm quyền cho Việt Nam.

Vấn đề mang danh “nhà nước” hay nhân danh “luật pháp” quy chụp và bỏ tù các đối thủ, các nhà hoạt động chính trị xã hội là chính trị không ngay thẳng, làm mất uy tín đảng cầm quyền lẫn cả uy tín nhà nước.

Hiện nay, đây là giai đoạn lịch sử lập lờ cần được sáng tỏ, nếu không thì cuộc cách mạng mùa thu năm xưa vẫn chưa hoàn thành vì chủ quyền quốc gia chưa trao lại cho nhân dân. Thời điểm này tuy đã quá trễ nhưng không phải đã hết cơ hội. Đây vẫn là cơ hội cho đảng cầm quyền một lần nữa hoàn tất sứ mệnh cách mạng lịch sử của nước nhà, cụ thể bắt đầu là đảng cầm quyền ngồi lại với các thành phần xã hội.

Quốc gia nào cũng có vấn đề nhưng vấn đề quốc gia cần có giải pháp quốc gia. Đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực chính là giải pháp quốc gia ưu việt cho Việt Nam trường tồn với xã hội hài hòa, ổn định và phát triển bền vững.

Chúc Ngài Tổng Bí thư sức khoẻ và mong chúng ta sớm đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực.

Trân trọng,

T/M Ban Thường vụ Trung ương

(đã ký)

Luật sư Vũ Đức Khanh
Phó Tổng Thư ký

 

Thu ngo gui DCSVN pg1

Thu ngo gui DCSVN pg2

Share