TS Nguyễn Quang A: Vì sao chính sách tồi?

Chính sách tốt thúc đẩy sự phát triển, chính sách tồi gây tác hại lớn. Vì thế, nâng cao chất lượng chính sách là vấn đề hệ trọng.

Một công cụ để nâng cao chất lượng chính sách hay giảm bớt chính sách tồi là RIA (Regulatory Impact Analysis [Assessment] – Phân tích [Đánh giá] Tác động Điều tiết). Chính sách thường được thể hiện qua các quy chế điều tiết như luật, nghị định, thông tư vân vân.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 24/2009/NĐ-CP dùng cụm từ “báo cáo đánh giá tác động” để chỉ RIA. Kết quả cuối cùng của mỗi giai đoạn hình thành chính sách cần có một báo cáo tác động và vào cuối giai đoạn RIA đúng là một bản báo cáo. Nhưng từ “báo cáo” không lột tả quá trình đánh giá mà chỉ mô tả văn bản thể hiện kết quả của giai đoạn đó, trong khi RIA là một quá trình đánh giá hay phân tích tác động.

Khoản 2 Điều 33 của Luật trên buộc cơ quan chủ trì soạn thảo phải “tổ chức đánh giá tác động và xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dự thảo văn bản. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động phải nêu rõ các vấn đề cần giải quyết và các giải pháp đối với từng vấn đề đó; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp”. Luật nhắc 12 lần đến “báo cáo đánh giá tác động”, còn Nghị định 24 nhắc đến 19 lần.

Nói cách khác, đã có quy định khá đầy đủ buộc những người soạn thảo phải tự mình tiến hành quá trình RIA và mỗi giai đoạn phải có báo cáo đánh giá. Vấn đề cốt lõi của quá trình này là phải xác định vấn đề là gì? Xác định đúng vấn đề cần giải quyết là một nửa của thành công. Xác định sai vấn đề thì không những tốn công vô ích mà chính sách đề ra có thể gây hậu quả khôn lường. Sau một giai đoạn kết quả có thể là: a) không cần phải làm gì cả và dừng lại; hoặc b) xác định có vấn đề cần giải quyết và tiếp tục sang khâu tiếp theo.

Giai đoạn soạn dự thảo là giai đoạn gần cuối trước khi công bố dự thảo và báo cáo đánh giá tác động để lấy ý kiến của nhân dân. Đáng tiếc nhiều dự thảo còn không có báo cáo đánh giá tác động hay có nhưng sơ sài hoặc chỉ mang tính hình thức. Nói cách khác cơ quan soạn thảo đã không tuân thủ nghiêm túc luật.

Tại sao? Vì Chính phủ không có 1 cơ quan chuyên theo dõi, đôn đốc và gác cổng để buộc các cơ quan chủ trì phải thực hiện RIA một cách nghiêm túc. Chính vì thế mới xảy ra những sơ sót nực cười như “người có sáu ngón tay không được cấp bằng lái xe” hoặc “quy định xóa hộ khẩu” mà Bộ Công an phải rút lại trong dự thảo sửa đổi Luật Cư trú…

Đấy chỉ là hai thí dụ nhỏ về sự kỳ quặc của dự thảo mà lẽ ra không có nếu cơ quan chủ trì thực hiện nghiêm túc luật. Có những dự thảo tinh vi hơn, có thể gây hậu quả khôn lường như quy định cho phép chính quyền thu hồi đất vì mục đích kinh tế nêu trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hiến pháp hiện hành không có quy định như vậy (chỉ quy định nhà nước được thu hồi đất vì các mục đích an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng). Hợp hiến hóa việc thu hồi đất cho các dự án kinh tế sẽ làm dễ công việc của chính quyền, nhưng lại mở ra khả năng lạm dụng quyền lực gây tổn hại cho người dân nhất là nông dân.

Chính phủ nên có 1 tổ chuyên gia giám sát buộc các cơ quan nhà nước chủ trì phải làm đúng luật. Báo giới cũng cần lên tiếng để Chính phủ thực hiện như vậy. Việc quá dễ để nâng cao chất lượng chính sách, để bớt các chính sách tồi.

TS Nguyễn Quang A
Nguồn: Dân Việt

Share