Về loạt bài “Chủ nghĩa Mác và thời đại ngày nay”

Vừa qua, báo chí lề phải đề cao loạt bài: “Chủ nghĩa Mác và thời đại ngày nay” của giáo sư Vũ Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Không nhầm vào đâu được, loạt bài ca ngợi lý luận Marx chính là bảo vệ cái lô-cốt duy nhất của tư tưởng cộng sản bảo thủ đồn trú, củng cố tinh thần trước kỳ đại hội đảng diễn ra.

Giáo sư Vũ Văn Hiền nhận định hai mươi năm nay, diễn đàn và báo chí phương Tây, các nước Liên Xô – Đông Âu, cả ở Việt Nam… đều tập trung “đả kích, bôi nhọ” CNXH và phê phán chủ nghĩa Marx. Có người từng là cộng sản, cả người chưa nghiên cứu Marx cũng “lớn tiếng phê phán”… Nếu vậy, ngoài người cộng sản, không còn ai khác bàn thảo về CNXH và lý luận Marx-Lenin một cách nghiêm túc? Vì sao các chính kiến bác bỏ lý luận Marx đều bị quy chụp là “bôi nhọ”, các chủ thuyết khác cũng bị đều xếp vào dạng phi Mac-xit? Vì sao người không từng nghiên cứu Marx một cách “sách vở” lại không được bày tỏ phê phán? Chỉ riêng nội dung tuyên truyền của tuyên giáo cộng sản bị dội ngược lại từ thực tế cũng quá đủ để một người không nghiên cứu Marx phản ứng nhằm chỉ rõ những che giấu, lợi dụng, bưng bít trong các thể chế cộng sản. Cách xếp loại các đối tượng tiếp cận, nhận thức về CNXH như trên đã thể hiện độc quyền chân lý: chỉ có Marx mới đúng và xứng đáng ca ngợi, được áp dụng phổ quát nhất.

Một nhận định là CNTB hiện chưa chết và chưa chuẩn bị chết, còn CNXH “dường như được mô phỏng” theo nguyên lý Mác thì kém hiệu quả, khủng hoảng nghiêm trọng, sụp đổ. Như thế nào là ”dường như được mô phỏng”? Phải chăng người cộng sản kêu gọi đấu tranh giành quyền lợi, dựng lên bộ máy nhà nước, công cụ pháp luật theo mô hình XHCN… tất cả đều chỉ là “hàng giả” mà người tham gia cũng “dường như” một cách hoài nghi? Marx đề ra ý tưởng nhưng không có giải pháp xây dựng CNXH thì lý luận đó ích gì? Chính vì vậy mà cộng sản mỗi nước mỗi cách triển khai, đến nay không cách nào hiệu quả. Lenin thực hành chính sách “cộng sản thời chiến” tại Nga, để lại di chứng nặng nề. Trung Quốc nay một nước hai thể chế, mèo trắng hay đen miễn bắt được chuột… cũng không có trong lý luận Marx. Việt Nam từng cải tạo công – thương, xây dựng hợp tác xã và vùng kinh tế mới, áp dụng NEP, xoá đa thành phần lại trở về kinh tế thị trường, biến tập đoàn kinh tế nhà nước thành tư bản đỏ, thiếu công cụ vĩ mô điều chỉnh xã hội và cả hệ thống chính trị nên khoét sâu thêm hố bất công tưởng được cải tiến sau giai đoạn phân phối cào bằng. Quá trình “sáng tạo” lý luận Marx ở các Đảng Cộng sản chỉ là cắt xén, giải thích thêm bớt nguyên lý gốc để hợp thức hóa chủ trương, đường lối duy ý chí. Tai họa ở chỗ lý luận của một người không hoàn chỉnh đã về tay những nhóm người thi hành khác nhau.

Lý luận Marx cho rằng CNTB đến thời điểm mâu thuẫn gay gắt cực độ, cái vỏ chứa sẽ vỡ bung. Như vậy, chính chế độ trước khai sinh ra chế độ sau. Nhưng một lực lượng trang bị lý luận Marx bất chấp quy luật tự nhiên, tự dựng lên một chế độ mới bằng bạo lực đổ máu, rồi héo hắt đói nghèo, muốn tồn tại phải tái chấp nhận giá trị hiện có. Mặt khác, việc Marx chia hình thái kinh tế xã hội theo tư duy phân tích chỉ là cách gọi tên nghiên cứu. Nhưng người cộng sản đã biến ranh giới giữa các hình thái, thậm chí hình thái còn trong mơ, trở thành chuyến tuyến: thế giới sau cách mạng Tháng Mười, ba dòng thác cách mạng, “Bức tường Berlin” hay thời đại Hồ Chí Minh… Trong quá trình phát triển, nhiều lĩnh vực từ thế giới nhất nguyên ban đầu dần chia ra từng trường phái, hệ giá trị, các quan niệm… Dù chia bằng cách nào, cuộc sống lớn vẫn là một khối ràng rịt hữu cơ với tất cả tương tác cùng nhau: gia đình riêng vẫn trong gia tộc và cộng đồng, từng bộ môn nghiên cứu vẫn trong khoa học liên ngành, đa thần vẫn quy tụ ở đức tin, đa nguyên đa đảng trong nhà nước pháp trị… Cuộc sống từng ngày chắt chiu, tích luỹ, biến đổi và thông suốt không ranh giới và hiển nhiên từ bản chất không chỉ toàn một màu sắc chính trị.

Nhưng những người thực hiện lý luận Marx đã dùng công cụ chính trị phán xét, cải tạo và cuối cùng huỷ diệt nội lực cuộc sống. Họ gọi lý luận Marx là vô địch, là bất diệt, đặt ra những nguyên tắc bất di bất dịch, yêu cầu phải trung thành và kiên định lý tưởng đã chọn… Việc này nhằm tạo ra một chế độ tưởng là “chính danh”, một chỗ dựa tưởng là “công lý”, từ đó tiến hành chiếm đoạt, gán tội và loại trừ các đối tượng khác: TBCN là bóng ma giãy chết, đa thành phần kinh tế là nguồn gốc bất công, tôn giáo là thuốc phiện, các giai tầng khác lâu dài phải trở thành công nhân… Để thực hiện điều đó, một nhóm quyền lực tự xưng là bộ tham mưu, đội tiên phong… hình thành không qua việc lựa chọn từ nhân dân, hoặc có cũng chỉ hình thức. Xét về nguồn gốc và khả năng, nhóm này chẵng liên quan hay xuất phát từ công nhân. Sau khởi nghĩa, công – nông bị bỏ rơi, trở về bần cùng, còn cChính quyền về tay bộ tham mưu dưới danh nghĩa đại diện nhân dân, nhà nước của dân, quân đội và công an nhân dân, cơ quan ngôn luận toàn dân… Tất cả được tổng hợp vào một túi định lượng chung, gọi là “lòng dân”. Chẵng mấy thập niên, lý luận gây ra đảo lộn xã hội đã là quá khứ. Bài viết nêu hiện tượng đảng công nhân khi chưa nắm chính quyền thường tự phê phán mạnh mẽ hơn đảng cầm quyền, nếu khách quan mổ xẻ nguyên nhân sẽ thấy bản chất vấn đề. Xa hơn nữa, nếu có cuộc thăm dò, chắc chắn cộng sản sẽ bị loại trừ, bởi chẵng còn ai tin CNXH là mùa xuân nhân loại.

Loạt bài nhận xét sự xuất hiện của CNXH làm cho CNTB mất vị trí độc tôn, do vậy CNTB đã tự điều chỉnh, ứng dụng thành tựu cách mạng KH-KT và sử dụng các giải pháp của CNXH. Nếu CNXH có giải pháp đúng vì sao không thực hiện thành công, mà lại lấp lửng tuyên bố chặng đường quá độ còn chưa biết khi nào xong, rồi lại áp dụng những yếu tố phi Mac-xit điều hành mọi mặt xã hội? Cho nên, điều này đáng ra phải được trình bày ngược lại. Trong khi dòng chảy cuộc sống không ngưng nghỉ, cớ gì lý luận Marx đặt tên từng chế độ, gán vào nó những bản chất như lạc hậu, phản động hay ưu việt, rồi phát động loại trừ? Thời cổ đại, muốn không lạc hậu cũng không được. Thời hiện đại, vấn đề mới nảy sinh là tất yếu. Những biến đổi ấy không thuộc bản chất chế độ nào, mà là diễn biến cuộc sống. Nếu bản chất chế độ XHCN là ưu việt, vì sao xuất hiện tham ô, độc đoán cùng hàng loạt thói xấu và yếu kém?

Loạt bài cho rằng những người tin CNXH sụp đổ là hí hửng, mừng vội – một nhìn nhận và diễn đạt chưa chuẩn mực khoa học. Cũng chính người viết: “Theo tôi, cái mà người ta gọi là XHCN…”. Người ta là ai? Phải chăng giáo sư không đang bảo vệ chế độ với ngòi bút mình đó sao? Ngày nay đang diễn ra cuộc vận động dân chủ ôn hoà đi đến công bằng và văn minh, thì giáo sư vẫn quan điểm: để đua tranh và chiến thắng CNTB, CNXH cần phải hành động, tránh khuyết tật chủ quan, cứng nhắc, khuôn mẫu, trái quy luật. Mấy chục năm xây dựng CNXH, cộng sản hô hào làm bao nhiêu máu đổ, rồi tước đoạt, phân biệt, tụt hậu… chưa đủ; nay để bảo vệ độc quyền lại lo sợ diễn biến hoàn bình, cảnh giác cách mạng nhung, đe dọa bắt giam những nhà đấu tranh dân chủ. Người cộng sản nhận định giai cấp tư sản dùng mọi thủ đoạn loại bỏ công cụ soi sáng các biến cố của loài người, cụ thể là lý luận Marx đề cập lợi ích giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vậy việc Đảng Cộng sản kiên quyết không chấp nhận đa nguyên đa đảng, phải chăng cũng nhằm loại bỏ một công cụ đấu tranh chống lại lợi ích toàn dân đang bị tước đoạt, thao túng?

Theo loạt bài, các thế lực thù địch âm mưu phá đổ Liên Xô – Đông Âu và phủ định hình thái ý thức XHCN, nhưng lại tránh đề cập nguyên nhân chính của sụp đổ là rệu rã biến chất từ bên trong thể chế cộng sản. Trước đây với lý luận Marx, CNXH đã không chấp nhận và phát động một cuộc cách mạng đào mồ chôn sống CNTB. Điều đó đã tạo ra phản ứng từ TBCN “ngăn chặn làn sóng đỏ”, bác bỏ và chống lại lý luận Marx. Cách nhìn nhận vấn đề của lý luận Marx và cộng sản nói chung là trước hiện tượng A, họ tư duy về hiện tượng Z thái cực và đối lập tuyệt đối, mâu thuẫn chỉ có thể giải quyết bằng thách thức “ai thắng ai” và loại trừ nhau. Họ không chấp nhận để đi từ A đến Z còn rất nhiều diễn biến, sắc thái, trạm chặng, thái độ, phương pháp… Đây cũng là nguồn gốc của bảo thủ, độc đoán, độc quyền khi quyền hành vào tay họ. Vì thế ngày nay, người cộng sản vẫn chưa thật sự hòa hợp dân tộc và hội nhập thế giới, không chấp nhận vận động dân chủ xã hội từ nhiều phía. Tiếp tục lý luận đấu tranh giai cấp là tiếp tục khơi dậy hận thù, phân biệt và lừa dối. Điều này đã lộ diện trong xã hội dân trí và dân chủ ngày càng cao.

Về hơn 100 dân tộc từng xây dựng nhà nước Liên Xô: các dân tộc có mặt khắp nơi, việc định cư mọi nơi được khuyến khích, công dân Liên Xô gặp nhau hỏi làm nghề gì và từ đâu đến mà không hỏi là dân tộc nào… Nguyên nhân rạn nứt là chỗ này, ngay từ đầu, điều mà ngày nay thế giới trở lại đề cao các dân tộc không thể mặc chung một chiếc áo văn hoá. Khi Liên Xô bị chia cắt, người bản địa xua đuổi hơn một triệu người Nga không mời mà đến sinh sống hàng thập kỷ. Bài viết đổ tội thế lực bên ngoài kích động, nhưng không đề cập Liên Xô trong công cuộc “giải phóng châu Âu” đã cộng sản hóa các dân tộc bằng chiếm đóng, tàn sát, bành trướng tư tưởng, gây không ít tội ác… Tuyên bố mới đây trong buổi lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ kỷ niệm chiến thắng phát xít của Tổng thống Nga về Staline đã quá rõ. Tác giả loạt bài nghĩ gì về sự thể “ngàn năm đô hộ giặc Tàu” được giải thích bằng thuyết “Trật tự Hoa – Di” từ Trung Hoa, về người Việt ở Campuchia bị phân biệt bởi người Hoa kích động, về không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên bao đời nguyên vẹn nay bị tàn phá, về đảng và nhà nước Việt Nam bất chấp nhân dân phản đối Trung Quốc khai thác bauxit và chiếm đóng biển đảo… Đó là hành xử có thật giữa các dân tộc dưới thể chế cộng sản. Giải thích về công dân Xô Viết với sự cố của nó, thiết nghĩ không nên nhìn bằng viễn kiến chính trị Mac-xit bảo thủ, che giấu một nguyên nhân chính yếu khác.

Trong dòng chảy tư tưởng nhân loại đến nay, có hai cuộc bành trướng, bảo vệ chủ thuyết một cách độc đoán, độc quyền nhất: Tần Thuỷ Hoàng “chôn Nho đốt sách” và cộng sản loại trừ chính kiến phi Mac-xit. Đọc loạt bài, người ta không lĩnh hội được gì mới để tiếp tục niềm tin. Trong khi CNXH bị tẩy chay hai mươi năm liền, còn cộng sản vài nơi cố níu giữ để kéo dài tồn tại, làm sao quyết định tương lai loài người? Tương lai một cộng đồng, dân tộc nhất thiết phải do cộng đồng hay dân tộc đó chính thức quyết định. Người viết bài này không học hàm học vị và không chức vụ, với vài trao đổi trên giáo sư không phải gom vào nhóm chưa từng nghiên cứu về Marx cũng “lớn tiếng phê phán”…

Tâm Đan
Tiếng Nói Dăn Chủ
6/6/2010

___________

Tham khảo thêm:
Chủ nghĩa Mác và thời đại ngày nay –
Báo điện tử Đảng Cộng sản

Share