Văn bản góp ý gửi Ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng v/v: Đoàn kết quốc gia với nhà nước pháp quyền nhân dân làm chủ và pháp luật chuẩn mực

Văn bản góp ý gửi Ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng v/v: Đoàn kết quốc gia với nhà nước pháp quyền nhân dân làm chủ và pháp luật chuẩn mực


Ottawa, ngày 1 tháng 10 năm 2018

Kính thưa Ngài Tổng Bí thư,

Bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), New York, Hoa Kỳ hôm 27/9/2018 đã gây ấn tượng cho nhiều người, chắc Ngài cũng đã được thông qua hoặc văn bản đó đã thông qua chỉ thị của Ngài.

Chúng tôi gửi Ngài văn bản này vì Ngài là lãnh đạo của đảng cầm quyền, dù cương vị này không được nhân dân trực tiếp bầu hoặc được trao quyền lãnh đạo quốc gia theo quy định của Hiến pháp.

Diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước diễn đàn quốc tế như LHQ thể hiện danh dự và uy tín quốc gia qua người đứng đầu Chính phủ.

Nhân đây chúng tôi ghi lại vài đoạn quan trọng trong bài diễn văn trên làm cơ sở cho những điểm đồng thuận:

1 – “Không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Tôi đề nghị vấn đề “trách nhiệm kép”, mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu. Trong bối cảnh đó, tôi chia sẻ với đánh giá của Ngài Tổng Thư ký là, vai trò của Liên hợp quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc kiến tạo những nền tảng phát triển mới để xử lý có hiệu quả các thách thức toàn cầu. Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của Liên hợp quốc và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu “Vì một thế giới hoà bình, công bằng và phát triển bền vững”.

2 – “Từ quá khứ đấu tranh gian khổ, lâu dài giành độc lập, tự do, Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền mưu cầu hạnh phúc” và các giá trị dân chủ của Hiến chương Liên hợp quốc. Tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người.”

3 – Chúng tôi tin tưởng, với quan hệ đối tác toàn cầu, đoàn kết và quyết tâm cao của chúng ta, các “Mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc” sẽ được thực hiện thành công, đáp ứng khát vọng của toàn nhân loại vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.”

Thưa Ngài, chúng tôi đồng thuận và hoan nghênh với những phát biểu đó. Đó là những gì quốc gia cần, quốc tế đòi hỏi, những gì lãnh đạo cần phải có trách nhiệm.

Đó là thông điệp đối với quốc tế nhưng đối với quốc nội, đồng bào chúng ta trong và ngoài nước thì liệu có gì khác?

Chúng tôi cũng tâm đắc với đề nghị của Thủ tướng về “trách nhiệm kép” trong vai trò công dân toàn cầu. Trước hết là tiếng nói của mọi thành phần xã hội cần phải được tôn trọng, dù đó là lãnh đạo hay thường dân. Cụ thể, việc tôn trọng tiếng nói của các thành phần xã hội được công nhận và chính phủ không ngăn chặn các cơ quan truyền thông báo chí tư nhân hoạt động.

Để thực hiện những cam kết của Việt Nam với LHQ, Việt Nam chúng ta cần có lãnh đạo chính danh đối với nhân dân qua bầu cử công bằng; Việt Nam chúng ta cần có một cơ chế nhà nước minh bạch bằng pháp luật chuẩn mực; và Việt Nam chúng ta cần phải điều hành quốc gia hiệu quả qua đoàn kết quốc gia.

Thuận lợi hơn nữa, trong giai đoạn 2017–2020, Việt Nam đã đặt mục tiêu cải thiện khung pháp lý, thể chế và quản lý để phát triển bền vững.

Chúng ta đều hiểu rằng đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực không có khuyết điểm, vì đó là đòi hỏi của quốc gia và là nhu cầu của xã hội. Nhưng nếu lãnh đạo có khuyết điểm, như không chính trực với nhân dân thì những điều nêu trên sẽ khó thành hiện thực.

Hơn ai hết, Ngài Tổng Bí thư là một nhà lý luận, am hiểu triết lý và nguyên tắc quốc gia. Với đường lối quốc gia qua bài diễn văn đó, chúng tôi góp ý với Ngài rằng công việc bây giờ chỉ còn là thực hiện đúng và thực hiện hiệu quả.

Thưa Ngài, để thực hiện đúng và thực hiện hiệu quả, Việt Nam không có cách nào khác và cũng không chần chờ gì nữa, là lãnh đạo hướng tới đoàn kết quốc gia với nhà nước pháp quyền nhân dân làm chủ và pháp luật chuẩn mực. Ngài nên an tâm rằng công việc mà được cả nước hậu thuẫn thì đó sẽ là một kỳ công để đời.

Dù là đảng cầm quyền lãnh đạo nhưng ĐCSVN cũng chỉ là một thành phần, thực tế ĐCSVN không phải là thành phần đa số trong xã hội. Xã hội có nhiều thành phần, cho nên, nếu lãnh đạo không theo hướng đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực thì sẽ khó được chấp nhận lãnh đạo chính danh bởi các thành phần khác, trong khi các thành phần khác hiện nay là đa số trong xã hội.

Chúng ta đều hiểu rằng việc thực hiện những thay đổi không thể ngay lập tức nhưng phải bắt đầu ngay. Bắt đầu từ điều chỉnh tư duy và theo đó từng bước điều chỉnh cơ chế. Bước đầu không có thì sẽ khó có những bước tiếp theo. Và như vậy, thông điệp của Thủ tướng đọc trước LHQ cũng chỉ là những lời hay ý đẹp nếu không có hành động cụ thể. 

Nhắc lại, nhân dân làm chủ không hiện thực thì lãnh đạo không chính danh và như vậy cuộc Cách mạng Tháng Tám năm xưa vẫn còn dang dở, chưa hoàn thành vì quyền làm chủ đất nước chưa trao lại cho nhân dân. Nhân dân làm chủ là làm chủ lá phiếu, làm chủ tiếng nói của mình.

Cho nên, đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực sẽ hóa giải và ngăn ngừa vĩnh viễn những sai phạm trong quá khứ. Chúng tôi tuyệt đối tin tưởng rằng sự rõ ràng và quyết tâm của Ngài sẽ là di sản quý báu cho các thế hệ mai sau.

Chúc Ngài sức khoẻ. Chúng tôi ủng hộ Ngài hoàn thành sứ mạng đoàn kết quốc gia: “Vì một thế giới hoà bình, công bằng và phát triển bền vững”.

Trân trọng, 

T/M Ban Thường vụ Trung ương
Đảng Dân chủ Việt Nam

(Đã ký) 

Luật sư Vũ Đức Khanh
Phó Tổng Thư ký

Đoàn kết quốc gia với nhà nước pháp quyền nhân dân làm chủ và pháp luật chuẩn mực-pg1

Đoàn kết quốc gia với nhà nước pháp quyền nhân dân làm chủ và pháp luật chuẩn mực-pg 2

Đoàn kết quốc gia với nhà nước pháp quyền nhân dân làm chủ và pháp luật chuẩn mực - pg 3

Share