Về ‘phòng, chống tham nhũng’ tại Việt Nam

Đảng Dân chủ Việt Nam: Độc đảng và độc quyền tất dẫn đến tập quyền và tham nhũng. Xã hội có cường quyền, tham nhũng thì có đấu tranh – đó là quy luật tự nhiên. Thực tế từ năm 1960 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (trước năm 1976 ẩn danh là Đảng Lao động) cầm quyền không còn tính chính danh. Vấn đề Đảng Cộng sản loại bỏ Hiến pháp gốc 1946, tước bỏ quyền làm chủ của nhân dân, tự soạn thảo và thông qua các Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2001 (sửa đổi) đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản cầm quyền nhưng không hợp thức. Đây chính là nguồn gốc gây ra các bất công và quốc nạn tham nhũng dai dẳng. Một nhà nước tiếm quyền của dân, không thông qua bầu cử công bằng, không tôn trọng và không có trách nhiệm với nhân dân nên có nhiều người trong xã hội nảy sinh ý muốn xóa bỏ hệ thống nhà nước tham nhũng, hại dân là điều không khó hiểu. Chính vì vậy mà đã có ý kiến từ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản rằng nếu không đổi mới chính trị thì không thể đánh bại được tham nhũng. Quan điểm của Đảng Dân chủ Việt Nam về vấn đề này rất rõ ràng: Đảng Dân chủ không phải là thế lực thù địch của bất cứ ai. Mục tiêu của Đảng Dân chủ không phải lật đổ bất kỳ chính quyền nào, mà là hoạt động ôn hòa nhằm thúc đẩy cho Việt Nam sớm có một hiến pháp dân chủ để xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập, và nhân bản trong một nền kinh tế sinh động.

***

Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11

Ngày 06/12 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh, Đại diện Bộ phát triển Anh quốc tại Việt Nam tổ chức Đối thoại về PCTN lần thứ 11 giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ quốc tế. Chủ đề đối thoại lần này là “Công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, thực trạng và giải pháp”. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo. Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Đình Phách Chánh Văn phòng BCĐ TW về PCTN, bà Fionna Lappin, Trưởng đại diện UK DFID tại Việt Nam, Ngài Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh, ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng BCĐ TW về PCTN đồng chủ trì Đối thoại.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Phách, Chánh Văn phòng BCĐ TW về PCTN cho biết, trong tháng 10 và tháng 11/2012, các cơ quan đồng chủ trì đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công 03 Hội thảo trước đối thoại theo khu vực Bắc, Trung, Nam; các Hội thảo được tổ chức lần lượt tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ; đại diện của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia Hội thảo.

Tại mỗi Hội thảo, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh chủ nhà đã trình bày Báo cáo tổng hợp về công tác PCTN của địa phương qua 5 năm thực hiện Luật PCTN, một số địa phương được chỉ định trình bày các Báo cáo về các chuyên đề như “Công tác quản lý nhà nước của địa phương trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; … Tại các Hội thảo, các cơ quan đồng tổ chức, các chuyên gia tư vấn cũng đã công bố một số kết quả nghiên cứu, kết quả điều tra xã hội học về các lĩnh vực liên quan tới công tác PCTN của địa phương.

Trong vai trò của cơ quan đồng chủ trì, ông Nguyễn Đình Phách nhấn mạnh, Hội thảo trước đối thoại là cơ hội tốt để các tỉnh, thành phố trao đổi về vấn đề của chính mình, học tập kinh nghiệm tốt của địa phương bạn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lắng nghe các bình luận, khuyến nghị của các chuyên gia, đối tác phát triển. Qua Hội thảo, các cơ quan chức năng ở Trung ương cũng có thêm những thông tin thực tiễn  phục vụ cho quá trình xây dựng chính sách và quản lý nhà nước trong lĩnh vực mà cơ quan, bộ, ngành mình phụ trách.

Theo thanhtra.gov.vn

***

Đại sứ Anh: ‘Bệnh nhân không thể tự mổ’

Đại sứ Vương Quốc Anh nói để chống tham nhũng thành công, Việt Nam cần thiết lập hệ thống tư pháp độc lập và truyền thông tự do.

Khuyến cáo của Tiến sỹ Antony Stokes được đưa tại “Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11” tại Hà Nội mới đây, theo bản tin trên website của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.

Chủ đề Đối thoại “Công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương, thực trạng và giải pháp” được tổ chức trong bối cảnh Tổ chức Minh bạch quốc tế mới đây công bố chỉ số nhận thức tham nhũng 2012 theo đó đánh sụt hạng Việt Nam 11 bậc so với năm ngoái từ thứ hạng 123 xuống 176.

Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Stokes cũng nhấn mạnh tới một số thay đổi mà ông mô tả là đáng kể bao gồm bước thay đổi về thể chế theo đó Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng sẽ dưới quyền chỉ đạo của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng.

“Theo tôi, mấu chốt là bệnh nhân không thể tự phẫu thuật cho mình được.

“Để thành công Việt Nam phải tự tìm cho mình cách thiết lập tính độc lập của hệ thống tư pháp, phải có truyền thông tự do và cơ chế từ bên ngoài giám sát khâu giải trình trách nhiệm.

“Tôi khuyến khích các Đối tác Phát triển, đại diện cơ quan của Đảng và chính phủ, và các tổ chức phi chính phủ ở đây ngày hôm nay làm việc cùng nhau để hướng tới một bước thay đổi trong nỗ lực tập thể của chúng ta nhằm đương đầu với tham nhũng.”, Tiến sỹ Stokes nói vào ngày 6/12/2012.

Anh Quốc hiện là nhà tài trợ điều phối về phòng chống tham nhũng của các Đối tác Phát triển Quốc tế cho Việt Nam.

Đại sứ Anh, trong lần đối thoại trước, từng cảnh báo tham nhũng là một vấn đề mang tính hệ thống tại Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua và rằng tham nhũng đe dọa sự phát triển và ổn định của đất nước cũng như uy tín của Việt Nam.

Đe dọa ổn định

Quốc hội Việt Nam cuối tháng trước bỏ phiếu với tỷ lê 94.98% loại bỏ mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm để lập một ban cùng tên nhưng do Trung ương Đảng nắm để phụ trách công tác khó khăn này.

Ban Chỉ đạo Trung ương thuộc Bộ Chính trị sẽ do Tổng Bí thư làm trưởng ban nhưng chưa rõ ban mới này bao giờ sẽ bước vào hoạt động.

Ngoài ra báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình trước Quốc hội cho thấy rằng các tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo sẽ không được quy định trong văn kiện luật Phòng chống Tham nhũng, mà nêu trong văn kiện của Đảng để “vẫn đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, pháp luật”.

Tuy nhiên, với thực trạng chưa có luật về Đảng Cộng sản và quyền lực của Đảng này chủ yếu chỉ được ghi trong Điều 4 Hiến pháp 1992, chưa rõ việc triển khai thực hiện hoạt động của Ban này sẽ dựa trên cơ sở pháp lý gì ngoài những điều nêu ra trong Quốc hội khóa này.

Ngoài ra, trong bối cảnh quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị thu hẹp sau Hội nghị Trung ương 6, mọi động thái tập trung quyền lực vào tay Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước khiến người ta không thể không đặt ra câu hỏi về khả năng đấu đá phe phái.

Tiến sĩ David Koh, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore từng trả lời BBC rằng đặt cơ chế chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là có lý.

Còn cụ bà chống tiêu cực Lê Hiền Đức vừa tròn 82 tuổi, người được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải tướng, cũng từng nói với BBC rằng bà không hy vọng nhiều về quyết định chuyển vai trò chống tham nhũng từ Chính phủ sang Đảng bởi điều mà bà gọi là “Quan nào mặt cũng nhọ cả, chỉ khác nhau là nhọ ít hay nhiều mà thôi”.

Dù vậy, các nỗ lực chống tham nhũng từ phía chính quyền vẫn được các quốc gia cấp viện cho Việt Nam hoan nghênh và hối thúc triển khai nhằm đưa hệ thống quản trị công của nước này tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam cam kết theo đuổi.

Theo BBC

Share