‘Việt Nam cần có gấp Minh Trị’

Nhà văn Võ Thị Hảo, tác giả của tập truyện nổi tiếng trong nước có tựa đề “Người sót lại của rừng cười” vừa đưa lên trang blog cá nhân của mình một bài viết ngắn gây chú ý về tình hình Việt Nam.Bài viết của blogger 52 tuổi này, với tựa đề “Bên bờ vực thảm hoạ, Việt Nam cần một Minh Trị”, mở đầu bằng đoạn văn sau: “Tôi là con dân nước Việt. Tôi và đồng bào tôi cần một “Minh Trị”. Cần một sự lựa chọn đúng. Ngay lập tức. Vì đã quá muộn. Đã phải trả giá quá nhiều.”

Trách nhiệm về việc đưa ra “sự lựa chọn đúng” được bà đặt lên vai giới lãnh đạo, bởi “… Nếu không, bản thân họ sẽ là những người phạm tội chống lại dân tộc, đất nước của mình, nếu vì sự tham quyền cố vị, sự ích kỷ, mà lựa chọn sai, cố đeo bám quyền lực, dìm đất nước và con dân mình vào nghèo nàn và lạc hậu.”

Nữ văn sĩ từng từ chối đưa một tác phẩm của mình với tựa đề “Giàn thiêu” tham dự xét giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2002-2004) cho rằng người dân Việt Nam đã phải chờ đợi, kỳ vọng quá nhiều mà vẫn chưa có được cái mà bà gọi là “Thời cơ Vàng”.

Chờ đợi quá lâu

Bà viết: “Những giọt mồ hôi nước mắt và cả máu rơi quá nhiều trên đất Việt. Mà sao chúng ta cứ phải khổ mãi,”

“Những hy vọng khấp khởi về cải cách, đổi mới về Thời cơ Vàng, cứ phập phù thoi thóp trong lồng ngực con dân Việt. Đập khắc khoải như một trái tim chỉ còn thoi thóp.”

Nhà văn, đồng thời là doanh nhân, chủ công ty sách “Võ Thị”, đánh giá Việt Nam hiện không chỉ đứng trước khủng hoảng.

“Và bây giờ, trước khủng hoảng, mà nếu không có biện pháp cấp bách cứu, thì bản thân con dân nước Việt đang phải đứng bên bờ vực thảm hoạ.”

Bà Hảo nhìn tình trạng tham nhũng ở Việt Nam không chỉ giới hạn ở một tình trạng tội phạm mà đã là một vấn đề trầm trọng về mặt đạo đức:

“Thật nhục nhã, khi mà tôi phải sống dưới sự bẩn thỉu của đám tham nhũng. Ra đường gặp tham nhũng và lưu manh. Và đề đối phó với sự lưu manh đó, những người dân thấp cổ bé họng cũng phải bị lưu manh hoá.”

Cần một Minh Trị

Nữ văn sĩ từng trở nên nổi tiếng trong số những nhà văn thuộc thế hệ “đổi mới” đặt câu hỏi tại sao và bao giờ Việt Nam cần có một vị minh vương theo mô hình của Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản thời kỳ cận đại:

“Cái nước Việt mang hình một người mẹ già gầy guộc còng lưng ngóng ra biển cả của tôi anh hùng lắm. Nhưng tôi cần một Minh Trị. Bao giờ Việt Nam có một Minh Trị như Nhật Bản?”

Trong một cuộc phỏng vấn vừa mới đây với BBC Việt ngữ, nhà báo Bùi Tín, nguyên Phó Tổng biên tập thường trực báo Nhân dân, tán đồng với nhà văn Võ Thị Hảo về việc Việt Nam cần gấp một Minh Trị.

Cắt nghĩa theo cách hiểu riêng của mình về thông điệp của blogger Võ Thị Hảo, người đồng thời từng giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, cho rằng nhà văn đã có lý khi đòi hỏi Việt Nam cần có một sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo.

Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam có thể trông vào những tấm gương như Lý Quang Diệu của Singapore hay Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan.

Theo ông Bùi Tín, thì trong khi Lý Quang Diệu đã tạo ra được cái được gọi là “ba không”: không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không cần tham nhũng, thì Tưởng Kinh Quốc đã thực sự tạo ra được một tấm gương tự thân về không tham nhũng để từ đó có thể dễ bề hơn trong việc dọn dẹp nạn tham nhũng ở Đài Loan.

Không có gì mới

Nhà thơ, họa sĩ Như Huy, một trong nhiều cư dân mạng đọc bài viết của blogger Võ Thị Hảo cho rằng thông điệp của nhà văn Võ Thị Hảo thực ra là không có gì mới.

Người đồng thời tham gia giám khảo nhiều cuộc triển lãm của giới trẻ về nghệ thuật thị giác này nói: “Thực ra những mong muốn đó của người dân là quá lâu rồi.”

Thế nhưng họa sĩ Như Huy cũng cho rằng thông điệp đưa ra của blogger Võ Thị Hảo là “bạo dạn”.

Còn Ngọc, một sinh viên ở Hà Nội, nói với BBC Việt ngữ: “Em được một bạn trên blog gửi forward bài này tới cho đọc. Em nghĩ là cô Võ Thị Hảo đã nói rất đúng và rất thẳng thắn. Em thấy cô Hảo thực sự thiết tha đối với đất nước.”

Trong khi đó, phát biểu riêng tư với BBC Việt ngữ, một vài nhà văn trong nước không muốn tiết lộ danh tính, cho rằng nhà văn Võ Thị Hảo có thể sử dụng thông điệp này như một phương tiện để marketing cho mình.

Một người trong các ý kiến này cho rằng:

“Nếu như bài viết không được ký tên như vậy, thì có thể nói đây là một bài viết của một người rất chân thành, thiết tha và dũng cảm. Nhưng chị Hảo thì chúng tôi biết rõ, chị phức tạp hơn như thế nhiều”.

Về phần mình, nhà văn Võ Thị Hảo nói với BBC Việt ngữ rằng bà cảm thấy như thế nào thì viết như thế đấy trên trang blog cá nhân của mình. Bà nói:

“Tôi tin rằng bản thân tôi, dù tôi có độc thoại đi nữa, thì tôi vẫn không đơn độc.”


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/07/080710_vo_thi_hao_minh_tri.shtml


Bên bờ vực thảm họa, Việt Nam cần một Minh Trị

Tôi là con dân nước Việt. Tôi và đồng bào tôi cần một “Minh Trị”.

Cần một sự lựa chọn đúng. Ngay lập tức . Vì đã quá muộn.

Đã phải trả giá quá nhiều.

Đừng để trái tim chúng ta phải thoi thóp quá lâu và cứ phải lịm chết đi để thương khóc những Thời cơ Vàng bị ám sát bởi những bàn tay ích kỷ và bảo thủ.

Tôi mơ đến ngày một kẻ con dân nước Việt như tôi thoát khỏi thân phận một nước nghèo nàn và lạc hậu. Thoát khỏi việc phải là con dân của một nước bị nhiều người trên thế giới coi là một nước độc tài và thường niên bị đưa ra bàn luận như một trong những nước mất nhân quyền và nhân quyền và tự do ngôn luận.

Tôi mơ ước không phải rơi nước mắt vì liên tục để mất những Thời cơ Vàng. Vâng. Luận về Thời cơ Vàng, một con dân của nước tôi đã nói: đất nước chưa nắm được Thời cơ Vàng. Mà chỉ có bọn tham nhũng nắm được Thời cơ Vàng mà thôi.

Thật nhục nhã, khi mà ngày ngày tôi phải sống dưới sự bẩn thỉu của đám tham nhũng. Ra đường gặp tham nhũng và lưu manh. Và để đối phí với sự lưu manh, những người dân thấp cổ bé họng cũng phải bị lưu manh hóa. Và lưu manh hóa toàn thể là một điều hết sức khó cưỡng nổi.

Tôi đã nỗ lực rất nhiều. Nhiều con dân nước Việt còn nỗ lực hơn tôi. Những giọt mồ hôi nước mắt và cả máu rơi quá nhiều trên đất Việt. Mà sao chúng ta cứ phải khổ mãi. Những hy vọng khấp khởi về cải cách, đổi mới, về Thời cơ Vàng, cứ phập phù thoi thót trong lồng ngực con dân Việt. Đập khắc khoải như một trái tim chỉ còn thoi thóp. Dội lên. Rộn ràng vài tiếng khi niềm hy vọng đến. Rồi lại lịm đi, khi thấy những hy vọng của mình và những lời cam kết bị bội phản một cách trắng trợn.

Và bây giờ, trước khủng hoảng , mà nếu không có biện pháp cấp bách cứu, thì bản thân con dân nước Việt đang phải đứng bên bờ vực thảm họa.

Cái nước Việt mang hình một người mẹ già gầy guộc còng lưng ngóng ra biển cả của tôi anh hùng lắm. Nhưng tôi cần một Minh Trị. Bao giờ Việt Nam có một Minh Trị như Nhật bản?

Người Nhật đã khốn khổ suốt hàng trăm năm trong trì trệ và bảo thủ, độc tài. Trước tình hình khủng hoảng, thời điểm giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản đứng trước miệng vực thẳm. Họ có thể lựa chọn một trong hai con đường: tiếp tục duy trì chế độ lạc hậu để thế lực thống trị (Mạc phủ) cố sống cố chết giữ quyền lực và bội phản dân chúng, với nguy cơ trở thành một nước thuộc địa hoặc đi theo con đường cải cách đất nước với cơ hội trở thành một cường quốc như các nước phương Tây.

Và may mắn thay cho con dân Nhật, khi vào những năm 1860, một nhóm nhà cải cách thời Minh Trị – đã quyết định từ bỏ vị thế độc tài của mình, tìm đến các quốc gia hàng đầu của phương Tây để học những thành tựu đã giúp phương Tây phát triển vượt bậc. Và chỉ trong ba năm, từ 1866 đến 1869, cuộc Cách mạng Minh Trị, hay còng gọi là Minh Trị Duy Tân, đã tạo được những thay đổi thần kỳ, là nền móng cơ bản nhất đưa Nhật bản trở thành một trong những cường quốc trên thế giới.

Chỉ ba năm thôi, chứ không phải là ba mươi năm, đã có thể đưa một đất nước từ “địa ngục” lên tận “thiên đường” nếu những người lãnh đạo đất nước nghĩ đến dân chúng và có sự lựa chọn đúng. Nếu không, bản thân họ, sẽ là những người phạm tội chống lại dân tộc, đất nước của mình, nếu vì sự tham quyền cố vị, sự ích kỷ, mà lựa chọn sai, cố đeo bám quyền lực, dìm đất nước và con dân mình vào nghèo nàn và lạc hậu

Để minh chứng cho sự thay đổi thần kỳ của sự lựa chọn đúng, là trường hợp Thâm Quyến của Trung quốc.

Thâm Quyến còn là một làng chài nghèo, khi Đặng Tiểu Bình phát động cuộc cải cách kinh tế vào năm 1979.

Từ 1980-2005, dân số của Thâm Quyến đã tăng từ 30.000 lên 11 triệu. Theo thống kê của Hãng tư vấn Enright, Scott & Associates có trụ sở tại Hong Kong, kinh tế Thâm Quyến đã tăng trưởng theo tốc độ bình quân là 28% năm. Nói chung, kinh tế Thâm Quyến đã tăng 126 lần!

Tôi là con dân nước Việt. Tôi và đồng bào tôi cần một “Minh Trị”.

Cần một sự lựa chọn đúng. Ngay lập tức . Vì đã quá muộn.

Đã phải trả giá quá nhiều.

Đừng để trái tim chúng ta phải thoi thóp quá lâu và cứ phải lịm chết đi để thương khóc những Thời cơ Vàng bị ám sát bởi những bàn tay ích kỷ và bảo thủ./.

Nhà văn Võ Thị Hảo

Share