Việt Nam phải là một đất nước giàu mạnh

Bấy lâu nay, người dân trong cũng như ngoài nước, nhất là giới trí thức rất mong muốn và tìm đủ mọi cách để có thể đưa Việt Nam trở thành một đất nước giàu mạnh. Có rất nhiều cách khác nhau, với muôn hình vạn trạng như viết bài, blog, kêu gọi tự do dân chủ (như Hà Sĩ Phu, Phạm Toàn…). Người thì đâm đơn kiện các quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam vì các quyết định sai trái (như Cù Huy Hà Vũ…). Người thì thành lập đảng chính trị gánh vác trách nhiệm đất nước (như Nguyễn Sĩ Bình, Lê Công Định…). Tất cả đều cùng hướng đến một mục tiêu rằng Việt Nam phải là một nước mạnh. Tuy nhiên, vẫn không ít người dân Việt Nam băn khoăn Con đường để đưa Việt Nam tiến lên là gì? Đâu là cốt lõi của vấn đề?

Vấn đề của Đảng Cộng sản Việt Nam

Là một người dân Việt Nam, tôi tự hào vì những thành tích vẻ vang của Đảng, của đất nước. Bất cứ ai cũng không thể làm ngơ trước thực tiễn lịch sử giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và sau này là thống nhất đất nước. Nhưng, cũng như những công dân có lòng tự trọng khác, tôi không thể không lo ngại trước sự trì trệ của đất nước, đặc biệt là sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong Đảng.

Dùng biện pháp hành chính bắt người dân phải thừa nhận sự lãnh đạo duy nhất đúng của Đảng là phản khoa học. Thêm nữa, vô tình Đảng đã nêu một tấm gương xấu về tham quyền cố vị. Tôi không muốn bác bỏ Đảng, nhưng nếu ai đó có nguyện vọng thành lập đảng phái riêng chưa hẳn đã là một tín hiệu xấu. Thế giới sẽ đánh giá cao sự độ lượng của Đảng ta, sẽ nhìn Việt Nam với con mắt thiện cảm hơn.

Trong kỷ nguyên của công nghệ truyền thông, người dân Việt Nam đã văn minh lên rất nhiều. Họ đủ minh mẫn để tin tưởng vào lực lượng chính trị nào và dân chúng sẽ không quay lưng lại với Đảng, nếu Đảng khoan dung độ lượng cho họ tự do lựa chọn quyền được chọn ra người đủ năng lực đứng đầu đất nước.

Công cuộc cải cách này đòi hỏi một sự can đảm lớn của những người cầm quyền tại Việt Nam hiện nay. Can đảm chấm dứt lối cai trị thiếu dân chủ bằng cách tạo môi trường cho một thể chế đa nguyên chính trị. Can đảm chấm dứt lối quản trị một cách vô hiệu năng và tham nhũng và áp dụng những qui tắc cai trị công quyền.

Vấn đề điều hành kinh tế

Vấn đề phát triển kinh tế hiện nay tại Việt Nam, ngoài việc dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói rõ sự thật, dám mở rộng dân chủ, cải tổ hệ hệ thống chính trị, cũng nên bàn chi tiết thêm một vài biện pháp cụ thể.

Cải cách kinh tế và mậu dịch chỉ có hiệu quả và được lâu bền khi đi đôi với cải cách chính trị. Nguyên tắc căn bản trong kinh doanh là khả năng sáng tạo. Có sáng tạo mới có phát minh và canh tân. Tư nhân chỉ sáng tạo được khi có tự do hành động và tự do thí nghiệm trong một môi trường thuận lợi.

Muốn được như vậy, Việt Nam cần thực thi một chiến lược phát triển mạch lạc với mục đích hội nhập hoạt động của khu vực công và tư để khai thác những lợi ích của việc toàn cầu hóa. Hội nhập khu vực tư bằng cách tạo điều kiện công bằng và môi trường minh bạch để khuyến khích xã hội dân sự đóng góp tài nguyên và trí tuệ để phát triển nhanh chóng và có hiệu năng. Sau đó chính quyền sẽ phải dần dần tư hữu hóa khu vực quốc doanh.

Có thế, giới lãnh đạo tại Việt Nam mới đạt được những đột phá cần thiết để phát triển mạnh và tạo được sức mạnh kinh tế để giải quyết nạn nghèo. Đồng thời, sức mạnh kinh tế đó sẽ giúp Việt Nam giữ cam kết trong những tổ chức chính trị và kinh tế đa phương quốc tế.

Trong nền kinh tế thị trường, một số cơ quan xí nghiệp hoàn toàn có thể tự cân đối thu nhập- chi phí, hoạt động theo mô hình công ty nhưng vẫn núp bóng hành chính để sống bám vào ngân sách nhà nước. Trong số này đáng chú ý có hơn 100 trường đại học và dạy nghề; khoảng 780 bệnh viện từ cấp tỉnh, chỉ nên giữ lại một tỷ lệ nhất định để phục vụ mục đích xã hội còn lại hoàn toàn có thể tự cân đối tài chính theo mô hình doanh nghiệp. Một số Viện nghiên cứu, tổ chức đoàn thể, có thể tự cân đối bằng nguồn thu phí hội viên… Báo chí, truyền thông… đều có thể hoạt động theo mô hình công ty nhưng không có biện pháp mạnh sẽ không ai làm.

Lý do đơn giản, “bầu sữa” nhà nước còn quá hấp dẫn nên không ai dại gì ra ăn riêng. Thêm nữa, khi một đơn vị sự nghiệp hưởng lương ngân sách dường như dễ được thông cảm hơn, dễ được chia sẻ hơn là doanh nghiệp. Mang danh doanh nghiệp dễ bị xoi mói hơn, dễ bị quấy rầy hơn, có thể bị “vặt” bất cứ lúc nào, nhất là khi cơ quan chức năng tìm kiếm thấy một lỗi nhỏ! Chính vì lý do đó, nhiều cơ quan xí nghiệp tạo đủ nguồn thu để trang trải chi phí, thậm chí còn có lãi nộp ngân sách nhưng việc cổ phần hoá hoặc chuyển sang mô hình công ty là điều không ai muốn.

Giảm ngân sách quốc phòng

Sợ “chệch hướng”, đối phó với “diễn biến hoà bình”, chúng ta đã duy trì một lực lượng vũ trang với nhiều tầng lớp. Sau đại chiến thế giới thứ hai, Nhật Bản là nước chịu sự giám sát của quân đồng minh, buộc phải giải trừ quân bị, chỉ để lại một lực lượng phòng vệ nhỏ bé mười ngàn người. Thế nhưng, Nhật Bản cũng không mất nước như nhiều người tưởng, cũng không rối loạn, không bị chệch hướng hay bị đồng hoá như chúng ta vẫn lo ngại.

Kể từ năm 1945 đến nay, đã có hơn 40 nước thuộc địa trên thế giới giành được độc lập mà không tốn một viên đạn nào. Đó là lý do để họ không phải duy trì một lực lượng vũ trang cồng kềnh. Độc tài như Saddam Husein ở Iraq, luôn luôn duy trì một đội quân đông đúc, vũ trang hiện đại nhưng cuối cùng vẫn không giữ được chế độ. Chúng ta, một nước nghèo muốn vươn lên hoàn toàn có lý do để giảm lực lượng vũ trang đến mức tối thiểu.

Hơn một trăm năm trước (1870s), khi Minh Trị Thiên Hoàng quyết định đổi mới, ông đã hủy bỏ hoàn toàn mô hình chính quyền phong kiến cũ và xây dựng một triều đại rất giống với mô thức của các triều đại châu Âu vào thời kỳ đó, kể cả cách ăn mặc. Sau đại chiến thế giới thứ hai, là nước bại trận, bản Hiến pháp của Nhật do người Mỹ viết và sinh hoạt dân chủ ở Nhật không khác gì các sinh hoạt dân chủ của phương Tây. Nhật Bản đã hồi phục từ một đám tro tàn và vươn mình lên như một phép lạ. Thành công của Nhật bản có sự đóng góp của cấu trúc chính trị của đất nước này, một cấu trúc hoàn toàn theo mô thức dân chủ phương Tây.

Cải cách chính trị

Việt Nam đã từng nhập khẩu ồ ạt mô hình chính trị từ Đông Âu nhưng không hề mất bản sắc. Ngày nay có nhập khẩu thêm mô hình chính trị từ Nhật Bản hay một nước phương Tây nào đó là điều hoàn toàn có thể. Truyền thống và tâm thức của một dân tộc không dễ lẫn lộn với mô thức chính trị của đất nước. Ở Nhật, cấu trúc chính trị không hề là của họ, không mang bất cứ một dấu vết nào của những sinh hoạt Samourai rất đặc thù của người Nhật. Thế nhưng, truyền thống và tâm thức vẫn là truyền thống và tâm thức của người Nhật. Ngày nay, dù có thay đổi đi nhiều, người Nhật vẫn giữ truyền thống của mình hơn bất cứ một dân tộc nào khác ở châu Á. Họ sống với truyền thống và không lạm dụng truyền thống, và nhờ dựa vào những sinh hoạt dân chủ không là truyền thống của họ mà họ đã ngăn chận được những lạm quyền mà thế giới đã chứng kiến trên đất nước họ những ngày gần đây.

Với hơn bốn triệu người Việt hiện đang định cư ở nước ngoài, trong số đó có hàng ngàn du học sinh từ Việt Nam đi học tập, tu nghiệp và thành danh. Cộng với một lực lương khá đông đảo những chuyên gia người Việt hiện đang công tác và nắm giữ các trọng trách tại các tổ chức, doanh nghiệp ở các nước tiên tiến. Trong những dịp về nước thăm người thân, gặp họ, qua tâm tư tình cảm, ai cũng mong muốn được về nước cống hiến tài năng của mình. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều những vật cản khiến họ chưa thực hiện được ý định đó. Đáng chú ý là, chuyện lương bổng thu nhập chưa phải là mối quan tâm lớn. Điều quan trọng hơn, họ đang là những người công tác ở nước ngoài, đã từng quen với cách sống trong môi trường dân chủ, lấy công việc làm thước đo. Nay về nước làm việc phải chịu rất nhiều khuôn phép ngoài chuyên môn. Nếu có lỡ lời nói điều gì đó ca ngợi nước ngoài hoặc không hài lòng với hiện tại sẽ phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị đánh giá về lập trường quan điểm.

Thay lời kết

Với những lợi thế vừa kể, Việt Nam vẫn có thể trở thành một đất nước giàu mạnh, một cách nhanh hơn. Nhưng, chỉ với điều kiện, Việt Nam phải tạo cho mình những “yếu tố bắt đầu” tương đương với những yếu tố mà trước đây những quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đã có được, như đã phân tích ở trên. Quan trọng nhất vẫn là yếu tố dân chủ. Ðó chưa phải là điều kiện đủ, nhưng đó là điều kiện cần phải có.

Hơn 60 năm trước đây, một người gốc Việt là ông Lý Thừa Vãn đã khai sinh ra Đại Hàn dân quốc. Ông cũng là người đặt những nền móng quan trọng cho Hàn Quốc đi những bước đi vững chắc đầu tiên để rồi nhanh chóng hoá rồng trong những năm sau đó.

Ngày nay, với hơn 86 triệu dân Viêt Nam, khi biết phát huy dân chủ, Việt Nam hoàn toàn đủ sức mạnh và trí tuệ để tăng tốc, sớm rời đường băng cất cánh, sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới.

Trương Thùy Dương
Sinh viên cao học Đại học Bách khoa HN
15.10.2010

Share