Việt Nam trên bàn cờ quân sự

Trung Quốc vừa triển khai một căn cứ tàu ngầm hạt nhân có quy mô lớn ở Đảo Hải Nam.

Tiến Sỹ Stein Tonnesson, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Hoà Bình Quốc Tế ở Oslo, Na Uy, chuyên gia về Biển Đông nhận xét với BBC Việt Ngữ rằng đây chính là một cuộc đua giành vị trí siêu cường hải quân trong khu vực.

Tiến Sỹ Tonnesson:Đây là một phần trong chiến lược chung của Trung Quốc, muốn ngăn không cho tàu chiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực tiếp cận tới gần khu vực duyên hải của Trung Quốc.

Đây cũng là cơ sở để lực lượng hải quân Trung Quốc vào gần hơn nữa các đảo ở khu vực Biển Nam Trung Hoa. Đương nhiên, điều này có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Việt Nam.

Rất có thể sẽ có nguy cơ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước có quyền lợi liên quan trong khu vực, đặc biệt là giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Về phần mình, Việt Nam cũng đã cố gắng trong việc xây dựng một lực lượng phòng ngự dọc theo bờ biển Việt Nam. Điều này khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc hoạt động và kiểm soát không phận ở Biển Nam Trung Hoa.

Căn cứ ở Hải Nam của Trung Quốc cũng có thể để đáp lại việc đó, song cũng cần phải tham khảo xa hơn tới nguồn gốc của cuộc ganh đua địa chính trị rộng lớn hơn giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.

BBC: Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên có một chính sách rõ ràng về đối trọng, tìm về phương Tây, chẳng hạn như làm bạn với Hoa Kỳ hoặc một quốc gia khác. Ông có nghĩ là Việt Nam có chiến lược này hay không?

Tiến Sỹ Tonnesson:Tôi nghĩ Việt Nam có một chính sách có chủ ý về việc duy trì cân bằng giữa tất cả các cường quốc và cố gắng giữ quan hệ tốt với càng nhiều nước càng tốt. Chính sách Việt Nam rõ ràng là nhằm tránh bất cứ một liên minh nào và không làm mếch lòng cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ hay Ấn Độ, cố gắng giữ quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trong hy vọng là cán cân giữa các cường quốc sẽ không thay đổi một cách bất lợi cho Việt Nam.

Trong lúc đó, Việt Nam từng bước xây dựng các lực lượng quân sự của mình, cả về hải quân và không quân dọc theo duyên hải để nước này có thể có được lực lượng phòng vệ của riêng mình. Tôi không thấy có quá nhiều bước đi khác thay đổi trong chiến lược này về phía Hoa Kỳ. Tôi cũng không thấy Việt Nam quá sợ hãi Trung Quốc để có một bước thay đổi cấp tiến như vậy.

BBC: Ông có nghĩ là ngoài chuyện tác động tới Việt Nam, căn cứ tàu ngầm hạt nhân Hải Nam của Trung Quốc có liên quan tới Đài Loan?

Tiến Sỹ Tonnesson: Rõ ràng động thái này của Trung Quốc có liên hệ tới Đài Loan nếu chúng ta dự kiến sẽ có một cuộc đối đầu tranh chấp trong tương lai giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Hoa Kỳ cùng Nhật Bản.

Động thái này còn vượt qua phạm vi cuộc xung đột đương nhiên giữa Trung Quốc với Đài Loan qua việc Trung Quốc bố trí nhiều hoả tiễn dọc theo duyên hải chĩa vào hòn đảo này. Nó còn liên quan đến cả việc ngăn cản hải quân Hoa Kỳ tiến vào quá gần Trung Quốc, tránh để lặp lại một sự việc tương tự hồi năm 1995 dưới nhiệm kỳ của cựu tổng thống Clinton, khi Hoa Kỳ bất ngờ triển khai một hạm đội ở khu vực gần Trung Quốc.

Việt Nam cũng là một phần trong bàn cờ này và tôi nghĩ Việt Nam cũng cần trung lập trong cuộc đối đầu đó của Trung Quốc với Đài Loan.

BBC: Ông có nghĩ là một ngày nào đó căn cứ Cam Ranh ở Việt Nam có thể chuyển thành một căn cứ hạt nhân? Nếu điều đó xảy ra thì kịch bản trong khu vực sẽ như thế nào?

Tiến Sỹ Tonnesson: Cam Ranh là một hải cảng thiên nhiên đẹp. Tôi hiểu là chính sách của Việt Nam không muốn biến cảng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự một lần nữa, sau thời Hoa Kỳ hay Liên Xô cũ, sử dụng. Nhưng Việt Nam muốn sử dụng cảng này cho các mục tiêu về thương mại và có lẽ cho phép các tàu bè hàng hải neo đậu để sửa chữa khi cần. Cá nhân tôi chưa thấy có sự thay đổi nào trong chính sách này.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/04/080425_south_china_sea.shtml

***

Tìm giải pháp về Biển Đông

Tìm sự trợ giúp của bên thứ ba để đối chọi Trung Quốc là phương cách duy nhất cho các nước dính líu vào vụ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Đó là nhận định của một nhà nghiên cứu về chiến lược chính trị Trung Quốc, tại trường Đại học Hải chiến (Naval War College), Rhodes Island, Hoa Kỳ. 

Tiến sĩ Toshi Yoshihara, đã viết nhiều bài về chiến lược biển của Trung Quốc, nói với BBC Việt ngữ hôm 23/07/08 rằng đe dọa mới nhất của Trung Quốc với công ty dầu khí Exxon Mobil tiêu biểu cho cách hành xử của Bắc Kinh quanh vấn đề Biển Đông.

Toshi Yoshihara: Tôi không ngạc nhiên. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký Quy tắc Hành xử chung về Biển Nam Trung Hoa, theo đó các bên tạm thời để yên các bất đồng và sẽ giải quyết chung một cách hòa bình. Bề ngoài thì có vẻ Trung Quốc ngả sang hướng giải quyết hòa bình, nhưng theo tôi, Trung Quốc chỉ “câu giờ” trong khi vẫn hiện đại hóa quân đội và tăng cường thế mạnh của họ.

Vì thế tôi không ngạc nhiên khi Trung Quốc không cho các công ty nước ngoài khảo sát dầu tại đây. Trung Quốc sẽ tiếp tục tuyên bố chủ quyền của họ như đã làm, bắt đầu là vụ chiếm Hoàng Sa năm 1974, chiếm thêm một phần Trường Sa từ Việt Nam năm 1988, lấy thêm bãi đá San hô của Philippines năm 1995.

BBC:Cả ASEAN và Trung Quốc đều nói về nhu cầu hợp tác để giải quyết mâu thuẫn. Nhưng theo ông, khả năng hợp tác khả thi đến đâu?

Có một vài vấn đề dĩ nhiên họ có thể hợp tác, thứ nhất là đảm bảo không để bất kỳ va chạm nào biến thành xung đột. Thứ hai, họ có thể kiềm chế không tự ý đào tìm dầu mà không có sự đồng ý của các nước còn lại.

Những chuyện như vậy có thể được giữ trong khuôn khổ của Quy tắc Hành xử chung. Nhưng vấn đề căn bản không thể giải quyết, đó là các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. Bắc Kinh xem toàn bộ Biển Nam Trung Hoa thuộc về lãnh hải Trung Quốc. Dĩ nhiên đó là đi ngược lại luật pháp quốc tế. Nhưng Trung Quốc cứ khăng khăng như thế, có nghĩa là cuộc tranh chấp không có lối ra.

BBC:Và các nước trong ASEAN chắc chắn không đủ sức để thách thức Trung Quốc.

Đúng vậy. ASEAN ở trong tình thế bấp bênh, cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao, và ngay cả nếu họ tập hợp lại, cũng không đủ sức phản công Trung Quốc. Vì thế ASEAN đã lách bằng cách phát triển quan hệ gần gũi không chỉ với Trung Quốc, mà cả với Mỹ. Đây là chuyện rất tế nhị vì ASEAN không muốn bị buộc phải lựa chọn, hoặc là Trung Quốc hoặc là Mỹ.

BBC:Có những người ở Việt Nam chê trách chính phủ đã không dám lớn tiếng với Trung Quốc. Lại cũng có ý kiến cho rằng Hà Nội chẳng thể làm gì hơn vì Trung Quốc quá mạnh. Theo ông, chiến lược của một nước nhỏ nên là thế nào trong vấn đề này?

Tôi nghĩ nếu các nước nhỏ có khả năng chống lại Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ làm, hoặc bằng động thái ngoại giao cứng hơn hoặc phô trương sức mạnh quân sự. Việt Nam, Philippines, Brunei, là những nước không đủ lực lượng để chứng tỏ quyết tâm trước Trung Quốc.

Cách duy nhất là dựa vào bên thứ ba. Bên thứ ba nổi bật nhất, chắc chắn, là Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc phần nào đó là Ấn Độ. Điều mà ta có thể chứng kiến trong tương lai là sự liên kết địa chính trị kiểu mới, tức là Đông Nam Á lặng lẽ tìm tới bên thứ ba để phòng vệ lại Trung Quốc, mà không công khai nói rằng Trung Quốc là nguồn gốc gây ra bất ổn.

Đây là chuyện rất thú vị. Liệu Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc sẽ đóng vai trò gì, để không chỉ nhằm trấn an Đông Nam Á mà còn gián tiếp nói với Trung Quốc rằng phía thứ ba sẽ phản kích lại hành vi gây hấn của Trung Quốc.

BBC:Cho tới nay, sự quan tâm của Mỹ với vấn đề Biển Đông vẫn chỉ là làm sao tàu bè đi lại tự do. Theo ông, Washington liệu đến một lúc nào đó sẽ phải can dự sâu hơn?

Quả thực hiện nay quan tâm của Mỹ chỉ dừng lại ở mức như quý vị nói. Nhưng có một góc độ chiến lược liên quan tới Mỹ. Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Trung Đông và châu Phi. Ông Hồ Cẩm Đào nhiều lần nhắc tới “sự khó xử Malacca”, tức là nguồn năng lượng của Trung Quốc có thể bị cản trở vì tai nạn, nhưng cũng có thể vì thế lực bên ngoài khóa chốt eo biển Malacca.

Quan tâm chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Nam Trung Hoa liên quan tới an ninh năng lượng. Và đó là nơi mà Mỹ có tiềm năng trở thành vấn đề cho Trung Quốc. Nhiều nhà chiến lược Trung Quốc tin rằng nếu khủng hoảng xảy ra, ví dụ vì Đài Loan, Mỹ sẽ tăng sức ép bằng sự đe dọa phong tỏa eo biển Malacca. Thực ra liệu chuyện này có khả thi về quân sự hay không, là một câu hỏi rất lớn. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng có nhiều người ở Trung Quốc rất nghi ngờ Mỹ vì vấn đề này.

BBC:Theo đánh giá của ông, kịch bản khả thi nhất tại Biển Đông trong vài năm tới là gì?

Quy tắc Hành xử chung đem lại cơ chế ngăn ngừa xảy ra xung đột lớn. Mặt khác, do các bên không nhượng bộ xung quanh đòi hỏi chủ quyền, nên bế tắc vẫn sẽ tồn tại trong tương lai gần.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080724_toshi_yoshihara_interview.shtml

***

Việt Nam trước sức ép từ Trung Quốc

Một chuyên gia về Trung Quốc có tiếng tại Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam cần tăng cường khả năng quân sự để đối phó với nước láng giềng.

Arthur Waldron, giáo sư Quan hệ Quốc tế của Đại học Pennsylvania, cho biết ông đã đọc tin về việc Trung Quốc đòi tập đoàn dầu lửa ExxonMobil của Hoa Kỳ phải rút khỏi dự án với Việt Nam “mặc dù theo luật quốc tế, thềm lục địa và vùng biển là thuộc về chủ quyền Việt Nam”.

Waldron, được xem là thuộc nhóm trí thức bảo thủ Mỹ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nói ông “bi quan về triển vọng có dân chủ thực sự ở Trung Quốc” nhưng nhấn mạnh “sớm hay muộn, hệ thống phải thay đổi đơn giản vì nó không bền vững”.

Arthur Waldron: Trung Quốc có vẻ là một siêu cường khi anh nhìn từ ngoài. Nếu ngồi trong Trung Nam Hải, hình ảnh mà lãnh đạo thấy là một đất nước ngày càng hỗn tạp và khó kiểm soát.

Về câu hỏi các nước nên làm gì với Trung Quốc, tôi luôn thấy thú vị khi cái tên Hoa Kỳ được nhắc tới đầu tiên. Nhưng nếu Trung Quốc trở thành siêu cường quân sự hung hăng, chính các láng giềng sẽ cảm nhận sức mạnh ấy trước tiên.

Tôi vừa đọc tin cho hay Trung Quốc vừa bảo với công ty khoan dầu của Mỹ ngừng dò tìm dầu trên thềm lục địa Việt Nam, mặc dù theo luật quốc tế, thềm lục địa và vùng biển là thuộc về chủ quyền Việt Nam. Và dĩ nhiên còn chuyện đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam.

Còn có nhiều vấn đề giữa Trung Quốc và các láng giềng gần. Và có ba nước láng giềng quan trọng nhất. Nhật Bản có tiềm năng trở thành nước mạnh nhất châu Á nếu họ quyết định có quân đội. Nga đã cung cấp vũ khí cho Trung Quốc, nhưng Nga có đường biên giới dài với Trung Quốc và giữa hai nước có khả năng bất đồng về mặt chiến lược. Nước thứ ba là Ấn Độ, với đường biên giới trực tiếp sát ngay Trung Quốc sau khi Tây Tạng bị chiếm và thôi không còn là vùng đệm.

Như thế, sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc sẽ tạo ra các vấn đề cho Trung Quốc về đối ngoại. Và cả đối nội, bởi vì tốc độ thay đổi quá nhanh đến mức không thể kiểm soát.

Nói về Hoa Kỳ, chúng tôi là đồng minh của nhiều nước trong khu vực. Nhưng hiện tại, chính quyền Mỹ tự ru ngủ mình, tin rằng Trung Quốc rất có ích trong vụ Bắc Hàn, Iran. Vì thế Mỹ ngày càng hy sinh quyền lợi của bạn bè như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, để có quan hệ tốt với Trung Quốc.

Tôi nghĩ Việt Nam sẽ càng ngày càng gặp sức ép từ Trung Quốc, khi mà Trung Quốc đã có căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam. Sẽ là vấn đề cho Việt Nam khi nghĩ phải làm gì để an toàn trước Trung Quốc.

BBC:Nhưng Việt Nam thì có thể làm gì trước một siêu cường ngay trước mặt?

Việt Nam không phải là một nước nhỏ, tầm thường. Vị trí chiến lược của Việt Nam trong tương quan với Trung Quốc vô cùng có lợi. Các bạn có đường biển dài bao quát toàn bộ các tuyến đường ra bên ngoài của Trung Quốc. Điều đầu tiên các bạn cần làm là khôi phục sức mạnh của hải quân. Phải có tên lửa chống hạm chất lượng cao, như Đài Loan, tàu ngầm như Hàn Quốc. Khi đó, các bạn ở trong vị trí có thể chống đỡ mọi đe dọa biển của Trung Quốc. Các bạn phải bảo đảm đường biên giới, buộc quân đội đúng nghĩa là quân đội, rút họ ra khỏi các dịch vụ làm ăn.

Điều thứ ba tôi nghĩ các bạn cần làm là tái phát triển chương trình hạt nhân. Tôi cho rằng các bạn sẽ không được an toàn chừng nào chưa có vũ khí hạt nhân.

BBC:Nhưng chính phủ Việt Nam đã khẳng định Việt Nam chỉ áp dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thưa ông.

Tôi không khuyến cáo Việt Nam có vũ khí hạt nhân như Ấn Độ. Nhưng trừ phi Trung Quốc bớt “ăn hiếp” Việt Nam, các bạn sẽ phải tăng cường khả năng quân sự và tìm kiếm đồng minh.

Việt Nam ở trong vị trí khó khăn vì đã có cuộc chiến hai miền Nam – Bắc, rồi Hoa Kỳ dính líu vào. Sau đó Việt Nam nói vì là nước cộng sản, nên ta phải làm bạn với Trung Quốc, Bắc Hàn. Nhưng có lợi nhất cho Việt Nam là làm thành viên trong cộng đồng các nước dân chủ, tự do, hợp tác với nhau bảo vệ quyền lợi chung. Nếu ở trong những nước như thế, người ta không cần vũ khí hạt nhân.

BBC:Nhưng thật khó thuyết phục các lãnh đạo cộng sản Việt Nam rằng họ có thể nhờ cậy đồng minh phương Tây. Ít nhất về danh nghĩa, Trung Quốc và Việt Nam vẫn có điểm tương đồng là chế độ cộng sản.

Đúng vậy. Hồ Chí Minh và các đồng chí đã có quyết định mang tính định mệnh, tức là họ nghĩ có một đảng cộng sản nắm quyền là điều quan trọng nhất, dẫu cho phải giết nhiều người Việt Nam yêu nước và mời cố vấn từ Nga, Trung Quốc. Để giải quyết những vấn đề của mình, theo tôi, nhân dân và chính phủ Việt Nam phải xem xét lại văn hóa Việt Nam có gì chung với Lenin, với Marx?

BBC:Nhiều người ở Việt Nam vẫn nghĩ rằng mô hình Trung Quốc gần gũi cho Việt Nam hơn cả.

Vài năm trước, tôi thăm Hà Nội, tôi rất vui vì đó là một nơi tuyệt vời. Thu nhập đầu người có vẻ ở khoảng 900 đôla một năm, tương đương với Đài Bắc, khi tôi học ở đó gần 40 năm trước.

Mô hình các bạn nên học là Đài Loan hay Hàn Quốc: phát triển kinh tế để đứng hàng đầu thế giới, nâng cao giáo dục và rồi chuyển đổi sang dân chủ. Mô hình độc tài của Trung Quốc, Singapore đem lại mức sống cao nhưng nhiều khiếm khuyết trong hệ thống kinh tế, sẽ không tồn tại được lâu dài. Nó hủy hoại tinh thần con người.

Tôi tin rằng người Việt Nam hiểu dân chủ là gì, tự do là gì. Chắc chắn họ biết đi bầu cử, tự ra quyết định. Giống như người dân Trung Quốc, người Việt không cần ông Hồ Cẩm Đào chỉ bảo họ.

Bạn đọc có ý kiến xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080722_arthur_waldron_interview.shtml

Share