Vì sao Tổng thống Obama cần thăm Việt Nam?

Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam hẳn sẽ là một ân huệ dành cho vị thủ tướng “tứ bề thọ địch” của nước này.

Tuy nhiên, một chuyến công du như vậy còn lâu mới là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama, trừ phi đổi lại ông có thể đạt được một điều gì đó cụ thể.

Thông tấn xã Việt Nam hôm 15/3 cho biết “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Denis McDonough, Chánh Văn phòng Nhà Trắng theo ủy quyền của Tổng thống Barack Obama hôm 14/3, theo đề nghị của phía Hoa Kỳ.”

Bản tin trên cho biết: “Hai bên đã trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ cũng như tăng cường phối hợp trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP.”

“Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ và cùng tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao.”

Theo một nguồn tin không kiểm chứng mà chúng tôi có được hôm 10/3 từ Hoa Thịnh Đốn thì Tòa Bạch Ốc cũng đang cân nhắc khả năng công du Việt Nam của Tổng thống Barack Obama trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gia tăng sức ép trên Biển Đông và đặc biệt đối với Việt Nam.

Tổng thống Obama dự kiến sẽ công du đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines vào cuối tháng Tư này như một phần nỗ lực của Hoa Kỳ để tăng cường chính trị, ngoại giao, thỏa thuận kinh tế và an ninh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy không có chỉ dấu nào vào thời điểm này cho thấy Tổng thống Obama sẽ đưa Việt Nam vào lịch trình chuyến đi, nhưng có thể sẽ có thay đổi tùy theo hoàn cảnh khi Tổng thống buộc phải thay đổi.

Cải thiện hình ảnh

Một chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam trong thời điểm đặc biệt này sẽ giúp Thủ tướng Việt Nam đạt được ít nhất là hai điều.

Thứ nhất, ông ta sẽ được dịp sánh vai với Tổng thống Obama. Thứ hai, ông sẽ được dịp tận dụng cơ hội để cho thiên hạ thấy là mình có một “người bạn” trong Nhà Trắng.

Đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm kỳ thứ hai của ông quả là đầy rẫy những thách thức, trong đó có một nền kinh tế trì trệ trầm kha và một loạt vụ bê bối liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ.

Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên tại Quốc hội ngày 10/6/2013, màn trình diễn hiếm hoi về “văn hoá đối lập” trong nội bộ đảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạt kết quả rất thấp là đứng thứ tư từ dưới lên. Trước đó, ông đã bị một Đại biểu Quốc hội hối thúc từ chức.

Bất chấp việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa làm gì đáng kể để giảm bớt quan ngại của cộng đồng quốc tế về thành tích nhân quyền tồi tệ của Hà Nội, điển hình mới nhất là các vụ xử án quý ông Lê Quốc Quân, Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào.

Ngài Thủ tướng nắm quyền trong một giai đoạn mà các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền, đặc biệt là các bloggers, bị đàn áp ngày càng gia tăng.

Việc được Tổng thống Obama ghé thăm Hà Nội sẽ là một thắng lợi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về mặt quan hệ cộng đồng.

Hình ảnh Thủ tướng sánh vai cùng Tổng thống Obama ngay tại Hà Nội sẽ cho thấy tầm vóc chính trị của ông, bất kể đó là thực tế hay tưởng tượng.

Cho dù có thể bị đủ thứ khó khăn bủa vây, ít nhất ông cũng có thể khẳng định là mình từng thu xếp thành công một chuyến công du của một Tổng thống Hoa Kỳ – chuyến thăm gần nhất của Tổng thống George W. Bush ngày 17/11/2006, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Trong bối cảnh phải đương đầu với áp lực trong nước và tính chất bấp bênh của cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông thì việc có được một “người bạn” là Tổng thống Hoa Kỳ sẽ là một “quân bài quan trọng trong trường hợp khẩn cấp”.

Một lý do tốt để chuyến thăm diễn ra.

Mối quan tâm của Hoa Kỳ

Có rất nhiều lý do giải thích tại sao Tổng thống Obama lại không có ý kéo dài hành trình bay tới Hà Nội.

Ngoài những mối quan tâm về tình hình trong nước, cuộc khủng hoảng ở Ukraine/Crimea đã cho thấy là một nỗi ám ảnh không cần thiết đối với Nhà Trắng, ấy là còn chưa nói đến cuộc nội chiến dai dẳng ở Syria và những thách thức mà Hoa Kỳ phải đối mặt khi rút quân khỏi Afghanistan.

Hơn thế nữa, Hoa Thịnh Đốn còn có những bận tâm khác gần như thường trực và không kém phần quan trọng trong các “hồ sơ nguyên tử” của Iran và Bắc Hàn.

Dù vậy, lý do thích đáng nhất có lẽ là ở chỗ Ngài Tổng thống, và suy rộng ra là Hoa Kỳ, thật khó có thể từ bỏ chuyến thăm mà vẫn đạt được bất kỳ cam kết cụ thể nào từ những nhà lãnh đạo Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí của ông trong Bộ Chính trị hoàn toàn có thể dễ dàng phóng thích các tù nhân chính trị như một cử chỉ đầy thiện chí trong khi vẫn khước từ cải cách nhân quyền thực chất, một vấn đề luôn hết sức nhạy cảm trong quan hệ Việt – Mỹ.

Tuy nhiên, một chuyến công du tới Việt Nam sẽ cho phép Tổng thống Obama tận mắt thăm viếng đất nước này và gặp gỡ người dân.

Mục tiêu và lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam không phản ánh chính xác mục tiêu và lợi ích của Nhân Dân Việt Nam, và ngài Tổng thống cần gặp gỡ người dân Việt Nam để hiểu rõ hơn mong muốn và nguyện vọng của họ.

Ngoài ra, một chuyến công du như thế sẽ tạo cơ hội hiếm hoi để Ngài Tổng thống gặp gỡ, tạo quan hệ cá nhân trực tiếp với các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Mặc dù Ngoại trưởng John Kerry vẫn làm tốt chức trách là tiếng nói của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, song chỉ Tổng thống Obama mới là người duy nhất có thể làm sáng tỏ tầm nhìn của Hoa Kỳ về tương lai của quan hệ Mỹ – Việt.

Cơ hội cho Việt Nam?

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không phải là người duy nhất mà Tổng thống Obama cần đầu tư phần lớn thời gian và công sức của ông.

Với việc vị thế của Ngài Thủ tướng trong nội bộ Đảng Cộng sản đã suy yếu bởi tín nhiệm thấp, Tổng thống Obama hẳn sẽ được khuyên là nên tiếp cận với phần còn lại trong ban lãnh đạo cấp cao của Bộ Chính trị Việt Nam.

Ngoài Ngài Thủ tướng, số lãnh đạo trên bao gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (uy tín không ngừng tăng lên của nhân vật này kéo theo mức độ tín nhiệm ngày càng thấp của Thủ tướng), và Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng (xu hướng thân Trung Quốc của người này có thể bị xói mòn bởi chiến dịch tấn công bằng thiện cảm của Hoa Kỳ).

Nếu Tổng thống Obama thăm Việt Nam, ông chắc chắn sẽ không đến tay không.

Sự đảm bảo Việt Nam sẽ được dành một chỗ trong Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng sự ủng hộ (mạnh mẽ nhưng ngấm ngầm) của Hoa Kỳ đối với một giải pháp hoà bình và đa phương cho tranh chấp Biển Đông, sẽ là quá đủ để làm hài lòng các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Vấn đề lúc này là Việt Nam có thể làm được những gì để đáp lại Hoa Kỳ.

Ngoài một “lộ trình tiệm tiến cải cách tiến tới tự do, dân chủ hóa Việt Nam” với cam kết rõ ràng, thật khó mà hình dung ra những gì người Mỹ đòi hỏi từ Việt Nam.

Tuy nhiên, thành công lại không nhất thiết phải được đánh giá qua những thành quả cụ thể và ngắn hạn.

Ban lãnh đạo hiện nay của Việt Nam thì bảo thủ – họ không muốn cải cách, ngập ngừng khi phóng tầm nhìn ra ngoài “tấm lưới an toàn” mang tên Trung Quốc, và thận trọng khi giao thiệp với Hoa Kỳ .

Nếu Tổng thống Obama có ý định thay đổi suy nghĩ của họ thì ông không thể làm điều đó từ Nhà Trắng hay cử Ngoại trưởng John Kerry đi thay mình.

Ở một nơi mà ký ức thường kéo dài và quan hệ cá nhân đóng vai trò quan trọng như Việt Nam, Tổng thống Obama phải thực hiện chuyến công du và xác định vị trí của Mỹ trong tương lai của Việt Nam.

Với chính sách xoay trục của Hoa Kỳ sang Châu Á – Thái Bình Dương, một mối quan hệ đối tác với Hà Nội, hay chí ít là một mối quan hệ hữu hảo, có thể cho thấy là thực sự hữu ích.

Mặt khác, đối với Hà Nội, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở thành một thế lực chi phối ở Đông Nam Á, mối quan hệ Việt – Mỹ không phải là món quà tự nhiên mà có.

LS Vũ Đức Khanh, trích từ BBC

Share