Việt- Mỹ: Ý nghĩa của việc bỏ cấm vận vũ khí

Ngày 23/5/2016, tại Hà Nội, chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du Việt Nam hai ngày, tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam. Báo mạng Nhật Bản trong bài viết đăng ngày 24/05/2016, có tựa đề “Tại sao lệnh dỡ bỏ cấm vận vũ khí của Obama đối với Việt Nam lại có tầm quan trọng đến thế ?“, nhận định bước đi này có một ý nghĩa quan trọng không chỉ trong mối quan hệ Việt Mỹ mà còn cho việc kế thừa chính sách ngoại giao của ông Obama và những chiến lược khu vực rộng lớn hơn tại vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Đầu tiên hết, tờ The Diplomat nhận định đây là một động thái mang tính lịch sử. Một cách tượng trưng, thông báo dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam thể hiện hành động tháo gỡ những rào cản có từ trong quá khứ – vết tích có từ thời Chiến Tranh Lạnh.

Bản thân tổng thống Barack Obama đánh giá cử chỉ này cho phép mở đường cải thiện mối bang giao trong tương lai. Đối với chính phủ Việt Nam, động thái này là một tín hiệu cho thấy mối quan hệ đã được bình thường hóa hoàn toàn. Bước tiến này cũng nằm trong tiến trình cùng lật sang trang quá khứ và nhìn về tương lai trong mối quan hệ đôi bên.

Nhìn từ bề ngoài, đây rõ là một bước tiến lớn trong mối hợp tác quốc phòng Mỹ – Việt, dù rằng chưa thể mang ngay lại kết quả nhanh chóng như nhiều người mong đợi. Thông báo này của ông Obama là bước đi tiếp theo sau khi đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí hồi tháng 10/2014 và việc ký kết thỏa thuận Tầm Nhìn Chung vào tháng 6/2015.

POTUS_Obama visits Vietnam 2Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận nhằm xóa bỏ những hạn chế còn lại trong việc Washington cung cấp cho Hà Nội các loại vũ khí phòng thủ, dù là trên thực tế bất kỳ vụ mua bán nào vẫn sẽ phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt và sẽ được phê duyệt trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.

Các hợp đồng bán còn sẽ lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm cả việc làm quen với các quy trình cung cấp vũ khí của Hoa Kỳ trong quan hệ với các đối tác quân sự truyền thống như Nga chẳng hạn. Chính vì thế mà hai bên gần đây đã có tiến hành những bước để giải quyết những vấn đề trên nhằm mở rộng đường cho các hoạt động giao dịch trong tương lai, mà việc tổ chức một hội nghị về công nghiệp quốc phòng hồi đầu tháng 5/2016 để tạo điều kiện cho việc hợp tác giữa các quan chức Việt Nam với các tập đoàn quốc phòng của Hoa Kỳ là một ví dụ.

Hà Nội: Một vị trí chiến lược quan trọng trong tương lai?

Nhưng cử chỉ này còn có một tầm quan trọng vượt lên trên cả ý nghĩa mối quan hệ song phương hữu hảo. Đối với các cố vấn cho tổng thống, cũng như chính bản thân ông Obama, mối quan hệ Việt Mỹ đang đi vào một quỹ đạo tích cực giúp thúc đẩy Washington tập trung vào tìm kiếm và xây dựng các đối tác mới trong chính sách tái cân bằng tại châu Á – Thái Bình Dương.

Về quan hệ song phương, một khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông Obama là theo đuổi những cơ hội trước đây chưa từng được khai thác để tạo những tiến bộ trong những mối quan hệ quan trọng mà trước đây có vấn đề, như thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba và dấn thân nhiều hơn với Miến Điện.

Vì mối quan hệ với Việt Nam đã được bình thường hóa vào năm 1995, việc dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn, tức là thực hiện một trong số các cơ hội chưa từng khai thác, được xem như là một phần của nỗ lực thúc đẩy việc ký kết quan hệ hợp tác toàn diện Việt – Mỹ, được ký kết năm 2013, bất chấp các bất đồng có từ lâu trên vấn đề nhân quyền và dân chủ.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí là một bằng chứng cho thấy tại Đông Nam Á, Washington đã đặt trọng tâm vào các mối quan hệ đối tác mới phát triển với Việt Nam cũng như là với những nước khác như Malaysia (đó là chưa kể đến các liên minh hiệp ước truyền thống với Thái Lan và Philippines).

Bất chấp làn sóng phản đối từ các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền và một số nhà lập pháp, thông báo này cũng được đưa ra do Washington nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam ngày càng lớn trong chính sách về châu Á của Hoa Kỳ, cũng như là vai trò của họ trong khu vực và trên thế giới.

Việc Hà Nội tham gia vào một loạt các sáng kiến quan trọng do Mỹ đề xuất – từ Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương cho đến Sáng kiến An ninh Hàng hải mới, cùng với việc tăng cường tham gia vào nhiều lĩnh vực khác trong khu vực và thế giới như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cho thấy vai trò của Hà Nội đối với Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể so với vài năm gần đây.

Vì thế, mặc dù có những hạn chế trong các vấn đề nhân quyền, chính quyền Washington vẫn đưa ra những lời lẽ hoa mỹ khi đề cập đến những tiến triển trong mối quan hệ giữa đôi bên trong hơn hai thập niên qua, từ “ấn tượng” cho đến “đáng chú ý” để rồi trở thành “ngoạn mục”.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận mở ra nhiều cơ hội hơn nữa về mặt quốc phòng. Nếu nhìn trong toàn cảnh khu vực, cơ hội này có thể sẽ đem đến cho Hà Nội một vị trí lớn hơn trong tương lai.

Cuối cùng, cùng với thời gian, tác động của việc dỡ bỏ cấm vận sẽ tạo ra những mối quan hệ mật thiết quan trọng tốt hơn cho sự năng động của cả khu vực. Điều thấy rõ nhất việc đi theo sát Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã gởi đi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh và khu vực.

Trái với nhiều lời giải thích, kể cả những lời lẽ đến từ Bắc Kinh, thông điệp này không nhằm kềm chế Trung Quốc. Mà đúng ra là nhắm vào những hành vi gây bất ổn định khu vực của Bắc Kinh, mà bằng chứng hiển nhiên trong vùng Biển Đông với việc đưa dàn khoan dầu vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014.

Sự việc đã đẩy nhiều nước khác xích lại gần với Hoa Kỳ hơn và buộc Bắc Kinh phải tự kềm chế. Việc Philippines ký kết một hiệp ước quốc phòng mới với Hoa Kỳ năm 2014 là một ví dụ khác cho thấy rõ xu hướng này, cùng với nhiều thỏa thuận khác mà Mỹ ký kết với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Chính vì thế mà hệ quả của việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam được nhìn nhận là vượt ra khỏi quan hệ song phương và trên thực tế, ý nghĩa của sự kiện này vượt xa ra ngoài khuôn khổ đó.

Theo RFI

Share