Việt Nam: Sửa đổi Hiến pháp như hiện nay là một bước lùi của Đổi mới

Quốc hội Việt Nam đang nhóm họp (từ 21/10 đến 30/11/2013) và sẽ thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hiến pháp sửa đổi, được đưa ra góp ý từ tháng 1/2013, theo dự kiến, sẽ được thông qua trong kỳ họp này.

Theo quan điểm của cơ quan tiếp thu ý kiến đóng góp, bản dự thảo đã thể hiện được nguyện vọng của đông đảo người Việt Nam. Ngược lại, nhiều người quan tâm ví quá trình lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp là “đầu voi đuôi chuột“, ý kiến đóng góp rất nhiều và đã có nhiều phương án được đưa ra trong các dự thảo trước, thể hiện một sự tiếp thu nhất định, nhưng kết cục bản dự thảo sẽ được trình ra Quốc hội lại gần như trở về xuất phát điểm. Sáng 18/11 tới Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận toàn thể lần cuối về « chỉnh lý dự thảo Hiến pháp 1992 » và sáng 28/11, biểu quyết dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, trả lời RFI.

RFI : Xin chào Luật sư Trần Quốc Thuận, thưa Luật sư về việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay, đang chuẩn bị được thảo luận tại Quốc hội Việt Nam và dự kiến sẽ được thông qua, nhiều người thất vọng, vì bản dự thảo cuối cùng sẽ trình ra Quốc hội gần như vẫn giữ nguyên, khác với các hứa hẹn sẽ tiếp thu. Xin Luật sư cho biết nhận định của Luật sư.

LS Trần Quốc Thuận : Sửa đổi Hiến pháp được đặt ra từ Hội nghị trung ương đảng lần thứ 2, đã định một số khu vực để sửa chữa, rồi sau đó các Hội nghị trung ương tiếp theo, trung ương 5, rồi trung ương 8 vừa qua. Mà thực tế là, theo quan điểm của đảng Cộng sản, thì Hiến pháp là thể chế hóa Cương lĩnh của Đại hội đảng lần thứ 11 (2011). Như vậy, có thể nói là, họ viết lại Cương lĩnh đó trong Hiến pháp, với văn chương pháp luật, với hệ thống pháp luật, bằng pháp luật. Đúng là như vậy, chứ không có gì khác.

Qua nhiều lần phát biểu, trong bộ phận soạn thảo, cũng như nhiều ý kiến, rồi đặc biệt là “Kiến nghị 72” và kiến nghị của một số đoàn thể Công giáo, thì những người đầu tiên họ cũng thấy là có cơ sở, cho nên họ cũng tiếp thu. Có nghĩa là Ban soạn thảo Hiến pháp, Hội đồng sửa đổi Hiến pháp cũng tiếp thu một số ý, rồi đưa đi, đưa lại.

Nhưng sau đó, họ rà lại trong Hội nghị trung ương 8 (đầu tháng 10/2013), thì họ đặt vấn đề là : (Hiến pháp) đã là thể chế hóa Cương lĩnh của Đại hội đảng lần thứ 11, thì cơ bản không được làm cái gì khác. Cho nên, bây giờ, thực sự là cái (dự thảo) Hiến pháp mà đưa ra cho Quốc hội thông qua thì đó là gần như là bê nguyên văn của Cương lĩnh của Đại hội đảng 11 vừa qua. Thì đó là một thực tế của pháp luật Việt Nam.

Còn đối với Quốc hội, thì vừa qua có kiến nghị đề nghị hoãn lại để góp ý, thì tôi cũng trả lời một số báo đài là : Quốc hội Việt Nam bây giờ 92,26% là đảng viên, cho nên khả năng để mà sửa đổi cái gì cũng là khó khăn. Vừa qua có nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, ông Đặng Hùng Võ, cũng nói rằng có những cái trình ra trước Quốc hội mà bây giờ bỏ đi mà cũng không báo cho Quốc hội biết. Ví dụ như « quyền sử dụng đất », trước đây trong dự thảo ghi là quyền sử dụng đất là « quyền tài sản », thì bây giờ bỏ chữ « quyền tài sản » đi, mà cũng không báo với Quốc hội. Cho nên, đó cũng là một cái điều cũng hơi buồn cười. Theo nguyên tắc, những gì đã báo cho Quốc hội, thì khi rút đi, thì phải báo lại và phải nêu lý do, nhưng bây giờ họ cứ âm thầm rút đi. Cái đó cũng là một cái điều… Quốc hội Việt Nam họ cũng phải làm theo những điều Đảng đã quyết hết rồi. Trong một “xã hội toàn trị“, thì đó là điều mình cũng khó hiểu, mà cũng dễ hiểu.

RFI : Thưa ông, riêng trong Cương lĩnh Đại hội 11 (đầu 2011), có những thay đổi khá là quan trọng liên quan đến vấn đề « chế độ sở hữu tư liệu sản xuất » (bỏ nguyên tắc công hữu tư liệu sản xuất). Mà hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Hiến pháp là một bước lùi so với Cương lĩnh này. Về điều này, ông có theo dõi không ?

LS Trần Quốc Thuận : Tôi có theo dõi sát. Rõ ràng thì cũng có những cái trong Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ 11 thì cũng có những mặt có những tiến bộ, về cái sở hữu tư liệu sản xuất, rồi về chỗ nền kinh tế có chủ đạo hay không có chủ đạo. Thì đó là vấn đề cũng có tranh luận. Nhưng mà trong cái Cương lĩnh, có thể nói là viết « cứng hơn », viết theo tinh thần của “Tuyên ngôn đảng Cộng sản” 1848 trước đây. Cho nên bây giờ là họ cũng trở lại với cái đó. Cũng có người nói là theo khuynh hướng này theo khuynh hướng kia (trong dự thảo Hiến pháp trước – ndr), thì đó cũng là điều họ cảm giác « giật mình », họ viết lại. Đó là cái điều mà người ta đánh giá là « thụt lùi », thì đó cũng đúng. Như một số báo trong nước có đăng, là dự thảo Hiến pháp vẫn chung chung, không có gì cụ thể, thì đó cũng là điều đáng tiếc.

RFI : Có ý kiến của Luật sư Trần Vũ Hải về vấn đề này.

LS Trần Quốc Thuận : Luật sư Trần Vũ Hải cũng có viết liên tục ba bài liền. Mà bài của ông Đặng Hùng Võ, tôi cho rằng viết cũng sâu sắc hơn. Ông Trần Vũ Hải cũng có so sánh về một số vấn đề. Thì đấy, người ta cũng thấy, người ta cũng có tiếng nói công khai. Vấn đề quan trọng là (giới lãnh đạo) có tiếp thu hay không tiếp thu. Có cái điều mà cả Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, của đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng nói, đây là thời cơ để đưa đất nước này trở thành hùng cường, dân chủ, để ngang hàng với các nước khác. Đấy cũng là một cách để kêu gọi các đại biểu Quốc hội phải làm việc…

Cũng có những đại biểu Quốc hội họ cũng tỉnh, họ cũng đặt vấn đề, nhưng mà rõ ràng là không phải là những ý kiến đó được lắng nghe. Gần đây báo đăng một phát biểu của nữ đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó Bí thư thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, dùng một chữ hơi nặng là « chúng ta đang mê ngủ », chúng ta đánh giá như thế này, thế khác mà không nhìn thấy thực trạng xã hội. Những người đó là có cương vị, là cán bộ cao cấp đương chức của đảng và Nhà nước. Họ cũng thấy vấn đề, nhưng mà những người có thực quyền hơn, thì họ vẫn như vậy, thì không biết là nó sẽ đi vào hướng nào ? Nếu mà những người kia (giới cầm quyền ở cấp cao nhất) họ kiên trì giữ cái đó, thì cũng là điều đáng buồn cho đất nước Việt Nam.

RFI : Nói như ông, thì trong chuyện này, chế độ chính trị ở Việt Nam không hẳn đã là “toàn trị”, vì Cương lĩnh của đảng Cộng sản thì có những tiến bộ nhất định, còn Quốc hội khi hành xử cụ thể, thì lại có bước thụt lùi. Có thể nói là có một sự mâu thuẫn ở bên trong cách nhìn nhận của bản thân những người lãnh đạo của đảng Cộng sản, đúng không ông ?

LS Trần Quốc Thuận : Phải nói rằng, trong Đại hội đảng (thứ 11) vừa qua, có Cương lĩnh của đảngNghị quyết của Đại hội, có hai văn bản như vậy. Thì Nghị quyết thì có một số điểm tiến bộ hơn, còn cái Cương lĩnh, người ta bảo là không có gì thay đổi theo Cương lĩnh trước kia. Cương lĩnh mang dáng dấp của thời bao cấp trước kia. Cho nên người ta nói là Cương lĩnh (“ngu dân” ?), nhưng bây giờ người ta viết Hiến pháp theo Cương lĩnh, chứ không phải theo Nghị quyết. Đúng ra là phải viết theo Nghị quyết. Thôi chuyện này là như vậy.

Nhưng mà chuyện tiến bộ đó, người ta cũng bảo là xuất phát từ trong Đại hội (lần thứ 11), có một số đại biểu đứng lên nói, cuối cùng Đại hội biểu quyết theo hướng tích cực hơn. Thì bây giờ họ quay ngược lại họ làm theo Cương lĩnh. Tôi cho rằng đó là cái điều rất không bình thường, nhưng cũng là bình thường ở Việt Nam. Nói một đằng làm một nẻo.

RFI : Thực ra ở đây, ở đây cái không bình thường như ông nói, nhìn từ bên ngoài, thì có thể nói là « nói một đằng làm một nẻo », nhưng nếu nhìn bên trong, thì có một sự phân hóa và sự tranh đấu giữa các cách nhìn khác nhau về đường đi tiếp theo của đảng Cộng sản và đồng thời là cái định hướng mà đảng Cộng sản muốn đưa xã hội Việt Nam theo, có đúng không ạ ?

LS Trần Quốc Thuận : Đúng, rõ ràng là Ban chấp hành trung ương đảng thông qua (các) nghị quyết lần này, thì rõ ràng có các ý kiến khác nhau, mà người ta gọi là vi phạm nguyên tắc lớn, tức là « tập trung dân chủ », mà đảng người ta cho rằng đó là « sợi chỉ đỏ xuyên suốt ». Ví dụ như Hội nghị trung ương 4 đặt vấn đề đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, thoái hóa, biến chất, thì qua Trung ương 6, thì rõ ràng là người ta phủ định cái đó hết. Bỏ phiếu chẳng ai bị kỷ luật này khác. Thì đó cũng là một điều trái ngược lại, mặc dù Bộ chính trị đã đề ra. Qua Trung ương 7, bầu cử vào Bộ chính trị cũng hoàn toàn không trúng, không đúng theo định hướng, tức không tập trung, mặc dầu Bộ chính trị giới thiệu người này, người ta bầu qua người khác. Đó cũng là một dấu hiệu… Có người cho là một dấu hiệu tiêu cực, có người nói là tích cực, phải phát huy.

Nhưng mà bây giờ, rõ ràng qua các tài liệu, thông tin tôi nắm được, thì rõ ràng chi phối của Trung Quốc rất là lớn. Bên Trung Quốc họ khuyên Việt Nam không nên có thay đổi, phải giữ vững định hướng…, không được bị ảnh hưởng Phương Tây. Và sửa Hiến pháp thì coi chừng dẫn đến biến động xã hội. Rồi vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua cũng ký, ra cái “Thông báo chung” mà người ta cũng thấy là triển khai cùng lúc ba công việc, tạm gọi là ba « cái gói » : Dự án trên bộ, trên biển và vấn đề tiền tệ. Dấu hiệu lệ thuộc Trung Quốc thì thấy rõ. Bởi vì kinh tế Việt Nam đang suy sụp, tiền bạc thì thiếu, thâm thủng, rồi là các công ty lớn, như là Vinashin, Vinalines, rồi bây giờ tới điện lực Việt Nam… Nâng tầm thì tiền ở đâu ?

Người ta đặt vấn đề, có phải là bây giờ phải dựa vào nước này kia, thì dựa dĩ nhiên là bị chi phối bởi đường lối. Kinh tế và chính trị bao giờ cũng quyện vào nhau và định hướng. Người ta nghĩ như thế, còn bằng chứng cụ thể thì qua hiện tượng ấy, người ta nghĩ đến chuyện đó thôi. Chứ còn bây giờ Việt Nam có độc lập thật sự ngang bằng với Trung Quốc không, thì đó là một câu hỏi mà nhân sĩ trí thức Việt Nam đã lên tiếng nhiều lần rồi.

RFI : Thưa ông, trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn hôm nay, ông có chia sẻ thêm suy nghĩ gì với công chúng về vấn đề này, về dự thảo Hiến pháp, cũng như hoạt động của Quốc hội trong việc xây dựng dự thảo Hiến pháp ?

LS Trần Quốc Thuận : Thường cái dễ nhất là lời khuyên, lời nói. Nhưng rõ ràng là trong Quốc hội người ta nhìn thấy, nhưng người có quyền họ lại cương quyết… họ sợ bị, có một dấu hiệu gì sợ bị lung lay. Có người cho là một bước lùi trong Đổi mới. Cái mà người ta khao khát rất nhiều lần là trong Đảng có khi người ta cũng nhìn thấy, nhưng khi triển khai người ta lại bịt lại, không triển khai. Như Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ 10 (tháng 4/2006) có ghi rằng, « cải cách kinh tế đồng thời với cải cách hệ thống chính trị », tức là cải cách tổ chức. Rồi đến Đại hội 11, thì « cải cách kinh tế đồng thời với cải cách chính trị ».

Nhưng mà tôi theo dõi, chưa thấy có một Hội nghị trung ương nào bàn về cải cách chính trị. Trong các hội nghị, gặp mặt cán bộ cao cấp, chúng tôi đã từng phát biểu trước những người đương chức đương quyền hiện nay, trong thời gian vừa qua. Ở Việt Nam, đó là đòi hỏi bức thiết. Còn bây giờ, ở trong Đảng, người ta cảm giác là có một sự phân hóa, lúc bên này thắng, lúc bên kia thắng.

Cho nên cái mà Nhân dân quan tâm hàng đầu ở Việt Nam bây giờ chính là đấu tranh chống tham nhũng, vấn đề dân chủ, và vấn đề ảnh hưởng của Trung Quốc. Phải đi theo ba công việc này cùng một lúc. Mà hiện bây giờ, đấu tranh cho dân chủ thì sửa đổi Hiến pháp là một bước lùi rồi. Rồi cái chuyện với Trung Quốc, thì bây giờ… không phải như cái không khí trước đây. Rồi chống tham nhũng, bây giờ rõ ràng cũng là một bước lùi. Bao nhiêu cuộc thanh tra, thì cũng chưa tìm ra một cái gì khác.

Còn bây giờ, người ta nói y đức thế này, thế kia, trong khi xã hội đang xuống cấp. Chống tham nhũng, có người cho rằng, phải chăng, đưa ồn ào cái vụ giải phẫu thẩm mỹ « Cát tường » (vụ bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng – Hà Nội) lên để làm đánh lạc hướng cái không khí chống tham nhũng, đánh lạc hướng về vấn đề kinh tế đang suy sụp, xã hội đang xuống cấp không ? Đó cũng là một kiểu làm chính trị ! Đó là một nỗi buồn. Hiện nay người ta muốn là đẩy cùng một lúc ba vấn đề lớn : Chống tham nhũng, Dân chủ và ngăn chặn ảnh hưởng chi phối của Phương Bắc.

Xin chân thành cảm ơn Luật sư Trần Quốc Thuận.

Trọng Thành, theo RFI

***

‘Thất vọng về sửa đổi Hiến pháp’

Việc Quốc hội Việt Nam sắp thông qua Hiến pháp sửa đổi sẽ gây thất vọng lớn trong nhân dân, theo một số nhà quan sát từ Việt Nam.

Lý do của sự thất vọng là hầu như những điều người dân góp ý kiến không được đưa ra thảo luận một cách nghiêm túc và và đã bị bác bỏ, theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên ban tư vấn Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với BBC hôm 27/10/2013 từ Hà Nội, Tiến sỹ Doanh, người cũng là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:

“Thí dụ như Hội đồng Hiến pháp không được lập, hay lại đưa lại câu kinh tế nhà nước là chủ đạo, mặc dù rằng kinh tế nhà nước bao gồm những gì, doanh nghiệp nhà nước hiện nay như thế nào, cơ chế quản lý như thế nào.”

“Có nước nào quy định như vậy hay không và quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo có phù hợp với quy định rằng các thành phần kinh tế là bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật hay không?”

Tiến sỹ Doanh cho rằng không chỉ có người dân băn khoăn về lần sửa đổi Hiến pháp này, đặc biệt về chất lượng và cách thức, mà ngay trong các đại biểu quốc hội có trách nhiệm cũng có những tâm tư tuy không thể nói ra công khai.

Ông nói: “Hiện nay có thể nói trong rất nhiều đại biểu Quốc hội, họ đang âm thầm phát biểu ý kiến ở tổ, chứ ở hội trường, họ cũng dè dặt, và trong chỗ riêng tư, họ cũng trao đổi.”

“Và người dân rất quan tâm nếu như thông qua Hiến pháp như hiện nay, những vấn đề đang đứng trước Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam, xã hội Việt Nam, sẽ được giải quyết như thế nào.”

‘Không tiếp thu’

Tiến sỹ Doanh nói thêm rằng việc sửa đổi Hiến pháp đã gây rất thất vọng còn vì đã lãng phí lớn về mặt ngân sách nhà nước và thời gian trong xã hội nếu tính tới yếu tố hiệu quả.

Về các tổn phí trong đợt lấy ý kiến và thảo luận sửa đổi Hiến pháp, ông nói:

“Các cuộc họp ấy tốn ngân sách nhà nước 250 tỷ đồng, không kể chi phí thời gian, cũng như không kể chi phí của các cấp, các ngành tự chi ra, để dẫn đến là hầu như không có ý kiến nào đóng góp đã được tiếp thu cả.”

Mặt khác, theo Tiến sỹ Doanh, việc kêu gọi một đằng, tiếp thu một nẻo mà hầu như không tiếp thu gì có thể gây nên sự phân vân trong niềm tin của dân với Đảng và chính quyền.

Ông nói: “Khi đưa ra lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp không có bất kỳ sự hạn chế nào, người dân và rất nhiều các giới, kể cả các giới tôn giáo đều đóng góp ý kiến một cách rất chân thành và xây dựng.”

“Sau đó lại bị kết án là suy thoái về đạo đức và suy thoái chính trị và đến bây giờ thì bị bác bỏ hoàn toàn những ý kiến đóng góp đó.”

“Ngay cả dự thảo đầu tiên không có mục, không có câu ‘kinh tế nhà nước là chủ đạo’, thì ngày nay lại được đưa lại nữa, làm cho sự thất vọng của người dân và những người chân thành đóng góp ý kiến là hết sức to lớn.”

Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội nói với BBC trong quần chúng và các giới chuyên môn đã có sự giảm sút sự quan tâm với lần sửa đổi Hiến pháp trong vòng gần một năm qua.

Ông nói: “Hiến pháp sửa đổi không khác gì so với Hiến pháp cũ, mặc dù cũng có một vài điểm sửa đổi có thể bình luận thế này, thế khác, nhưng nói chung đó không phải là những điểm quan trọng với một bản Hiến pháp.”

‘Không còn quan tâm’

Về sự quan tâm của cộng đồng và người dân với dự thảo sửa đổi và lần sửa đổi hiến pháp, luật sư Hải nói:

“Gần đây người ta cũng không quan tâm lắm nữa, bằng chứng là những bài viết về hiến pháp không được độc giả quan tâm, bình luận nhiều. Có thể người ta thấy không khác gì mấy hoặc ý kiến của người ta không được chú ý, nên cũng không quan tâm so với cách đây khoảng nửa năm.”

Hôm Chủ Nhật, trao đổi với BBC, luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài, từ Hà Nội, cho rằng người dân Việt Nam có thể sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa để có thể có được một bản hiến pháp do chính họ làm ra.

Ông nói: “Theo tình hình chính trị hiện nay, chúng ta không thể trông chờ vào những người cộng sản tự nguyện để xây dựng nên một bản hiến pháp phục vụ cho lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam, mà cái này hoàn toàn trông chờ vào người dân Việt Nam thôi.”

“Khi người dân chưa hiểu biết hết về quyền lợi của họ và họ cũng chưa dám đứng lên để đòi hỏi quyền lực của mình, thì đây là một tiến trình rất xa.”

Tuy nhiên, luật sư Đài bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ hội đủ điều kiện để tiếp cận một bản Hiến pháp như ý dân.

“Hy vọng trong tương lai không xa người dân sẽ hiểu mình cần phải làm gì để đất nước Việt Nam có thể phát triển, có thể giàu mạnh cũng như có thể hội nhập quốc tế được.”

“Lúc đó mới hy vọng có được một bản Hiến pháp đáp ứng được đòi hỏi tự do, dân chủ của dân,” ông nói với BBC.

Theo BBC

Share