Việt Nam thuộc 10 nước có nền tự do báo chí tồi tệ nhất thế giới

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi Ban Việt ngữ, ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSF, cho biết:

Bấm vào nghe tường trình và phỏng vấn

Việt Nam hiện là nước thứ hai trên thế giới có số cư dân mạng bị cầm tù nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc. Đối chiếu trên tỷ lệ dân số, thì Việt Nam là nhà tù lớn nhất thế giới đối với cư dân mạng…Việt Nam hiện có 34 cư dân mạng bị cầm tù và ít nhất 12 blogger hay công dân mạng đã bị tuyên phạt với các bản án lên tới mức cao nhất 13 năm tù…

VOA: Thứ hạng của Việt Nam không thay đổi so với năm ngoái, vì sao tình hình tự do báo chí tại Việt Nam năm qua lại bị đánh giá là tuột dốc thay vì là vẫn y nguyên như năm trước?

Ông Benjamin Ismail: Do vị trí thứ hạng là một dữ liệu tương đối. Vì phương pháp nghiên cứu của chúng tôi năm nay có thay đổi, cho nên không thể so sánh điểm số khảo sát của Việt Nam năm nay so với năm ngoái, nhưng tình hình thực tế thì xuống dốc so với năm trước. Chúng tôi cũng cập nhật con số các cư dân mạng bị cầm tù tại Việt Nam từ các thông tin mới mà chúng tôi có thể xác nhận. Việt Nam hiện là nước thứ hai trên thế giới có số cư dân mạng bị cầm tù nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc. Đối chiếu trên tỷ lệ dân số, thì Việt Nam là nhà tù lớn nhất thế giới đối với cư dân mạng. Năm trước, Việt Nam giữ vị trí hàng thứ ba trong danh sách các nước giam cầm nhiều công dân mạng nhất trên thế giới, sau Trung Quốc và Iran, nhưng đã vọt lên hàng thứ hai trong năm vừa qua. Tại Việt Nam hiện có 34 cư dân mạng bị cầm tù và ít nhất 12 blogger hay công dân mạng đã bị tuyên phạt với các bản án lên tới mức cao nhất 13 năm tù trong khi số ký giả hay cư dân mạng bị giam cầm trong năm trước là khoảng 19 người. Điều này chứng tỏ sự đàn áp của đảng cộng sản Việt Nam đối với quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của công dân ngày một gia tăng.

VOA: Những điểm nào được xem là đáng lưu ý nhất về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam trong năm qua, thưa ông?

Ông Benjamin Ismail: Bảng xếp hạng này rất quan trọng vì kể từ khi ra đời năm 2002 tới nay, chúng tôi hằng năm đều cải tiến phương pháp khảo sát, nghiên cứu. Năm nay số câu hỏi trong bảng khảo sát đã được tăng lên gấp đôi từ 40 câu trong năm trước lên thành 80 câu năm nay. Chúng tôi phối hợp các dữ kiện thống kê, các nguồn thông tin thu thập được trong cả năm, và nhận xét từ giới ký giả, giới chuyên gia phân tích kể cả các chuyên gia trong giới truyền thông và các chuyên gia chuyên nghiên cứu về Việt Nam, giới blogger, giới hoạt động nhân quyền cả trong và ngoài nước về mức độ tự do báo chí của từng quốc gia một.

VOA: Cảm ơn ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức Phóng viên Không biên giới đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Trong số 10 nước chót bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2013, sau Việt Nam là Trung Quốc, Iran, Somalia, Syria, Turkmenistan, Bắc Triều Tiên, và Eritrea. Trong khu vực Châu Á, Việt Nam, Trung Quốc, Lào, và Bắc Triều Tiên bị xem là các nước không có dấu hiệu cải thiện về tự do báo chí.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới chuyên cổ xúy và bênh vực cho quyền được thông tin và thông tin của mọi người trên toàn cầu. RSF có trụ sở chính ở Paris (Pháp) cùng với các văn phòng quốc tế tại 10 nước trên thế giới, với hơn 150 ký giả ở khắp năm châu.

Share