Việt Nam tìm cách cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc

Trong các nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu đến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Hà Nội đã gửi một đặc phái viên sang Bắc Kinh để xoa dịu tình hình. Tuy vậy, theo tiến sĩ Martin Großheim, Việt Nam đã thay đổi cách nhận thức về Trung Quốc.

Viet-TrungBộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hôm 25 Tháng Tám rằng ông Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được mời đến gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc. “Chuyến đi nhằm mục đích thảo luận về các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng và tránh để tình hình leo thang như trước đây, trong khi đó sẽ cố gắng làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai đảng và hai nước”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết.

Chuyến thăm kéo dài hai ngày, bắt đầu vào thứ Ba tuần trước, là một trong những động thái nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước cộng sản vốn đã trở nên tồi tệ hơn do chuyện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Các vụ tranh cãi đã gia tăng khi Bắc Kinh triển khai một giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc đã dời chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực này vào ngày 16 tháng Tám và cho biết rằng nhiệm vụ của họ đã hoàn tất. Việc lắp đặt giàn khoan dầu đã gây ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam, dẫn đến cuộc bạo động ở một số khu công nghiệp. Bắc Kinh gần đây đã hoan nghênh quyết định của Việt Nam khi bồi thường cho những nạn nhân trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong cùng lúc, Hà Nội cũng đã liên tục chào đón rất nhiều chính khách đến từ Hoa Kỳ, trong đó có bốn thượng nghị sĩ và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Martin Dempsey.

Tiến sĩ Martin Grossheim, chuyên gia về Việt Nam và giáo sư trợ giảng tại Đại học Passau ở Đức, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với DW rằng trong khi chuyến thăm này cho thấy tình hình căng thẳng Việt–Trung có thể đã trôi qua, người dân Việt Nam vẫn còn rất bất mãn trước vấn đề Trung Quốc. Ông nói thêm rằng cuộc khủng hoảng ở Biển Đông đã thay đổi cách Việt Nam nhìn nhận về Trung Quốc.

DW: Tại sao các lãnh đạo Việt Nam phải quyết tâm giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc?

Martin Grossheim: Quyết định của lãnh đạo Việt Nam trong việc bồi thường cho các công ty Trung Quốc cũng như các nạn nhân trong cuộc bạo động chống Trung Quốc vừa qua và việc họ gửi ủy viên Bộ Chính trị Lê Hồng Anh – đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – cần được nhìn nhận trong bối cảnh Việt Nam liên tục tiếp đón các nhân vật cấp cao của Hoa Kỳ đến thăm Hà Nội trong những tuần gần đây.

Việc gửi Lê Hồng Anh – cựu Bộ trưởng Bộ Công an và ủy viên thường trực Ban Thư ký Đảng Cộng sản Việt Nam vốn nắm giữ vị trí quan trọng trong nội bộ đảng có thể được hiểu như Hà Nội muốn gửi một tín hiệu ngoại giao đến Bắc Kinh, trong đó Hà Nội muốn cân bằng quan hệ với Hoa Kỳ lẫn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC).

DW: Trung Quốc cũng đã hoan nghênh quyết định của Việt Nam trong việc bồi thường cho các nạn nhân trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng Năm, như vậy liệu căng thẳng đã hết chăng?

Martin Grossheim: Có thể hiện nay căng thẳng đã qua rồi. Tuy nhiên, theo như tôi thấy trong những chuyến đi nghiên cứu của mình gần đây ở Việt Nam, thì người dân nước này đang rất bất mãn trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Trong trường hợp các lãnh đạo Trung Quốc có những hành động được coi là khiêu khích, chẳng hạn như xây dựng các công trình thăm dò hay khai thác dầu khí trong vùng lãnh thổ mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền, thì sự bất mãn này có thể sẽ bùng nổ. Mặt khác, sau lần xảy ra các cuộc biểu tình, bộ máy an ninh Việt Nam có thể sẽ chuẩn bị tốt hơn để đối phó với thách thức.

DW: Hà Nội làm thế nào để biện minh cho hành động này trước sự bất mãn trong lòng dân chúng?

Martin Grossheim: Dù bất mãn, nhưng đại đa số dân chúng ở Việt Nam muốn hòa bình, và họ chắc chắn sẽ hoan nghênh bất cứ hành động nào có thể giúp giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, nếu ông Lê Hồng Anh có những nhượng bộ trong chuyến thăm đến Bắc Kinh, thì có thể việc này sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực trong lòng người dân Việt Nam.

DW: Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào?

Martin Grossheim: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hơn nữa, các công ty Trung Quốc hiện đang tham gia vào rất nhiều loại dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Các lãnh đạo Việt Nam đã hiểu rằng họ cần đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào nước láng giềng khổng lồ ở miền Bắc, nhưng điều này không thể làm được chỉ sau một đêm.

DW: Liệu các vụ tranh chấp gần đây có buộc Việt Nam phải liên minh chặt chẽ hơn với các nước khác?

Martin Grossheim: Đúng, các vụ tranh chấp đã khiến Việt Nam tiến sâu hơn trong mối quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Điều này được phản ánh trong các chuyến thăm gần đây giữa hai nước: Trong tháng Bảy năm 2014, ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đến thăm Hoa Kỳ; Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa John McCain và – quan trọng hơn – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã đến thăm Hà Nội trong tháng Tám – đây là chuyến thăm đầu tiên ở cấp tướng đến Việt Nam kể từ năm 1971. Có một số bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ có thể sẽ bán vũ khí cho Việt Nam trong tương lai gần.
Tương tự như mối quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam đã thắt chặt mối quan hệ với Nhật Bản, và Tokyo cũng đã cam kết sẽ gửi sáu tàu hải quâncho phía Việt Nam nhằm giúp tăng năng lực hải quân của Hà Nội.

DW: Giáo sư nghĩ sao về tương lai hợp tác giữa hai nước Việt–Trung sau các vụ tranh chấp lãnh hải/lãnh thổ ở Biển Đông?

Martin Grossheim: Cuộc khủng hoảng ở Biển Đông đã thay đổi cách Việt Nam nhận thức về Trung Quốc, ngay cả trong giới lãnh đạo Việt Nam. Dù sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tư tưởng lợi ích chung thường được nhấn mạnh, nhưng hiện nay các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã nhận ra rằng họ không nên dựa quá nhiều vào Trung Quốc. Hà Nội vẫn có lựa chọn là theo đuổi hành động pháp lý chống lại Bắc Kinh, và có thể đệ đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế trong thời gian tới.

Tiến sĩ Martin Grossheim là giáo sư trợ giảng chuyên Khoa Nghiên cứu Đông Nam Đại học Passau, Đức. Các chương trình nghiên cứu và giảng dạy của ông tập trung vào lịch sử cận đại Việt Nam, lịch sử Chiến tranh Lạnh và tình báo.

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ,CTV Phía Trước / Gabriel Dominguez, DW

© 2014 Bản tiếng Việt Tạp chí Phía Trước

Share