Việt Nam và Syria: Nước nào giam cầm phóng viên nhiều hơn?

Với 18 nhà báo đang bị cầm tù, Việt Nam hiện đứng thứ năm trên thế giới trong danh sách các nước giam phóng viên.

‘Tệ hơn cả Syria’

Việt Nam đã lọt vào danh sách top 10 nước bỏ tù phóng viên nhiều nhất trên thế giới chỉ vì họ can đảm thực hành công việc báo chí của họ. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists), Việt Nam đứng ở vị trí thứ năm cùng với Thái Lan, một trong hai quốc gia ở Đông Nam Á nằm trong danh sách năm 2013.

Kể từ năm ngoái, Việt Nam có mười tám nhà báo đang bị giam sau song sắt. Trong số đó có Nguyễn Văn Hải, một blogger thẳng thắn bị tòa án Việt Nam tuyên án tù 12 năm trong phiên xử chỉ kéo dài một buổi mà theo CPJ thì phiên tòa đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến các vi phạm tố tụng của nước này.

Hồi tháng Sáu năm 2013, ông Hải bắt đầu cuộc tuyệt thực “sau khi các quan chức trại tù cố gắng buộc ông phải ký nhận tội chống nhà nước mà ông đã bị kết án. Sau đó ông bị biệt giam vì từ chối ký văn bản đó”.

211 nhà báo bị giam cầm

Đứng đầu danh sách là Thổ Nhĩ Kỳ với 40 nhà báo đang bị bắt giữ, tiếp theo là Iran với 35 nhà báo, Trung Quốc với 32 nhà báo và Eritrea với 22 nhà báo đang ở trong tù. Chiến trường Syria, nơi được xem là nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các nhà báo, hiện đứng vị trí thứ sáu với 12 phóng viên sau song sắt.

“Cuộc điều tra độc lập của CJP không tính đến hàng chục phóng viên đã bị bắt cóc và được cho là đang bị các tổ chức vũ trang đối lập bắt giữ. Tính đến cuối năm 2013, khoảng 30 nhà báo bị mất tích ở Syria”, Elana Beiser – Tổng Biên tập CPJ cho biết.

Ai Cập – nước đã thống trị giới truyền thông quốc tế trong thời gian vừa qua vì các cuộc xuống đường biểu tình đứng vị trí thứ chín với năm phóng viên bị cầm tù. Azerbaijan, Ethiopia và Uzbekistan đứng các vị trí tiếp theo trong bản top 10.

Mười bốn quốc gia khác bao gồm Thái Lan, Hoa Kỳ, Ấn Độ , Ý và Rwanda đều có một nhà báo đang bị giam giữ trong tù.

Tóm lại, hiện có 211 nhà báo bị cầm tù trên toàn thế giới, giảm xuống từ số 232 so năm 2012 nhưng con số này vẫn còn cao và là năm tồi tệ thứ hai kể từ năm 2000 – khi đó chỉ có 81 phóng viên bị cầm tù.

“Số lượng các nhà báo bị cầm tù trên toàn cầu tương đối đã giảm xuống và ít hơn so với năm trước nhưng đây vẫn còn là con số cao so với những năm trước, ” Beiser nói.

“Các chính phủ không nhân nhượng ở Ankara, Tehran và Bắc Kinh thường sử dụng các luật lệ chống nhà nước để bịt miệng các tiếng nói của 107 phóng viên, blogger, và biên tập viên. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tiếp tục có những phân biệt đối với các nhà báo và đồng thời là hai nhà tù tồi tệ nhất trong hai năm liên tiếp”, bản báo cáo viết.

Tại Thái Lan, Somyot Prueksakasemsuk vẫn tiếp tục bị giam sau song sắt sau khi một tòa án hình sự ở Bangkok kết án ông 11 năm tù vì các bài báo mà thẩm phán coi là xúc phạm đến quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej được công bố trên Đài Tiếng nói Taksin (hiện đã hết hoạt động). Tiếng nói Taksin là một tạp chí tin tức thuộc nhóm chính trị Mặt trận Dân chủ Chống Độc tài.

Bản báo cáo cũng lưu ý rằng Việt Nam hiện đang giam giữ 18 nhà báo, tăng lên từ con số 14 người một năm trước đó. Chính quyền lâu nay vẫn tiếp tục tăng cường các chiến dịch trấn áp các blogger, những người duy nhất đại diện cho các tiếng nói độc lập tại đất nước này (chính quyền Việt Nam kiểm soát tất cả các kênh truyền thông, báo chí).

Quan trọng hơn, bản báo cáo của CPJ cũng cho biết thêm một số bối cảnh vô cùng cần thiết đối với Việt Nam và chính phủ mong manh tại nước này – mà theo cách điều hành thì Việt Nam đang gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về tham nhũng.

Hầu hết các nước tại Đông Nam Á cùng có các vấn đề tương tự nhau và có các tổ chức đối lập chính trị được tổ chức tương đối tốt. Malaysia, Thái Lan và Campuchia đã và đang chịu đựng các diễn biến chính trị bất ổn trong vòng 12 tháng qua – nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì những vẫn đề chính trị tại các nước này vẫn chưa thể so sánh với cách hành xử và bắt giam giới truyền thông tại Việt Nam.

Đặng Khương chuyển ngữ, Phía Trước  / Luke Hunt, The Diplomat

© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Share