Đảng Dân Chủ Việt Nam: Thông điệp đầu năm 2012

ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM
Thông điệp đầu năm 2012

Đầu xuân 2012, Đảng Dân chủ Việt Nam có đôi điều chia sẻ về tình hình đất nước, nguyên nhân cốt lõi của các vấn nạn xã hội, và đề xuất các giải pháp cơ bản để vượt qua, nhằm góp phần vào tiến trình xây dựng xã hội công bằng, bảo vệ toàn vẹn tổ quốc, và phát triển đất nước bền vững.

Cần xây dựng nhà nước pháp quyền chính danh

Với bao vấn đề trong năm qua, người dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều vất vả với tình trạng cuộc sống khó khăn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa, bất công xã hội ngày càng lớn. Dù những vấn nạn xã hội đã được các trí thức và giới chức lãnh đạo nêu ra khá nhiều, nhưng các bế tắc đó cho đến nay vẫn chưa được khai thông. Đó là vì nguyên nhân cốt lõi vẫn chưa được mạnh dạn đề cập và tháo gỡ: vấn đề nhà nước cầm quyền không hợp thức vì đơn phương ban hành hiến pháp, không đáp ứng đòi hỏi thiết yếu của xã hội. Đảng Dân chủ Việt Nam đã phân tích rõ điều này trong văn bản “Quan điểm về tình hình đất nước” trong Đại hội Đảng Dân chủ Việt Nam lần thứ II, ngày 28, 29 tháng 5, năm 2011.

Mục tiêu dân chủ, xã hội công bằng đòi hỏi Việt Nam trước hết phải có một nhà nước hợp thức và chính danh. Nhà nước hợp thức, chính danh là một nhà nước được nhân dân thỏa thuận trao quyền thông qua bản hiến pháp dân chủ và bầu cử công bằng. Đó là một nhà nước được nhân dân tôn trọng, tin cậy, đúng nghĩa của một nhà nước pháp quyền. Và đó đồng thời là mục tiêu hoạt động của Đảng Dân chủ Việt Nam.

Giữa lúc xã hội Việt Nam đang trải qua nhiều thách thức và thay đổi, và đặc biệt trong kỳ soạn thảo sửa đổi hiến pháp lần này, chúng ta không thể lầm lẫn mà cần phân rõ sự khác biệt giữa nhà nước chuyên quyền và nhà nước pháp quyền.

Nhà nước chuyên quyền cai trị xã hội bằng pháp luật của giới cầm quyền, và nhân dân không có quyền phản kháng pháp luật mà chỉ phải tuân theo. Trong khi đó, nhà nước pháp quyền nói chung, điều hành xã hội bằng pháp luật do nhân dân phê chuẩn, mà văn bản khởi điểm và tối thượng là hiến pháp của toàn dân. Quan trọng hơn, mọi người – kể cả các giới chức lãnh đạo – đều bình đẳng trước pháp luật, và không một ai được đứng trên pháp luật.

Tại Việt Nam lâu nay, lãnh đạo luôn hô hào xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng trên thực tế lại áp đặt cả hiến pháp và luật pháp của một đảng lên toàn xã hội. Chính vì nhà nước ban hành hiến pháp áp đặt, không thông qua nhân dân phê chuẩn nên vấn đề đảng cầm quyền không được nhân dân tôn trọng là không khó hiểu. Cũng vì vậy, từ mấy thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải khẩn trương “chỉnh đốn đảng để tránh sụp đổ”; đến nay, nhu cầu “chỉnh đốn đảng vì sự tồn vong của chế độ” còn khẩn trương hơn, và tình hình khẩn trương đã đến mức “báo động”.

Chính vì áp đặt hiến pháp và cầm quyền không hợp thức từ lâu nay mà chính quyền luôn luôn lo sợ bị lật đổ, dẫn đến tình trạng đàn áp công dân có chính kiến tiến bộ. Vấn đề tiếm quyền nhân dân, áp đặt pháp luật, và bắt giam người tùy tiện đã trở thành chuyện thường ngày, tạo ra những hình ảnh không tốt cho nhà nước. Trong đó, trường hợp các chí hữu Đảng Dân chủ Việt Nam cũng như các anh chị em yêu nước đang bị giam cầm là những bằng chứng cụ thể. Tình trạng độc quyền, lạm quyền gây ra quốc nạn tham nhũng dai dẳng, tạo ra tầng lớp dân oan, dẫn đến nhiều bất ổn xã hội. Do đó, nhà nước cần sớm trở lại với sự cầm quyền hợp thức, bắt đầu bằng bản hiến pháp dân chủ, chính danh.

Nhất thiết phải bắt đầu bằng một bản hiến pháp dân chủ

Hiến pháp là văn bản quan trọng tiên quyết cho sự hưng thịnh của đất nước. Hiến pháp chính là nơi tin cậy bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, đồng thời ngăn chặn tình trạng chuyên quyền kềm hãm xã hội. Và hiến pháp ảnh hưởng đến cuộc sống của toàn xã hội, chứ không chi ảnh hưởng riêng cá nhân, đoàn thể hay tổ chức nào. Do đó, việc giới cầm quyền độc quyền soạn thảo và đơn phương ban hành hiến pháp là sai trái và đó là hành động áp đặt, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.

Cũng cần nhắc lại, Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ đầu tiên nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, thể hiện rõ quyền làm chủ của nhân dân. Quyền làm chủ này cụ thể là quyền phúc quyết hiến pháp. Nhưng kể từ Hiến pháp 1959 và các Hiến pháp sau đó các quyền này bị đơn phương loại bỏ không theo quy định trong hiến pháp gốc 1946. Hậu quả là nhà cầm quyền mất tính chính danh, và vấn đề nghiêm trọng này đã dẫn đến bao vấn nạn xã hội đến hôm nay. Vấn đề quyền lực không có đối trọng cân bằng, không được kiểm soát và kiểm tra như tình trạng chế độ một đảng hiện nay là những rào cản ngăn chặn Việt Nam tiến bộ, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Đảng Dân chủ Việt Nam tin rằng dù theo chủ nghĩa hay tư tưởng chính trị nào, thì đất nước cũng cần phải có một bản hiến pháp dân chủ với cơ chế nhà nước minh bạch và điều hành xã hội bằng pháp luật. Một bản hiến pháp dân chủ phải là hiến pháp của toàn dân, được nhân dân phúc quyết thông qua và áp dụng thực tế vào cuộc sống.

Nhưng xã hội công bằng không tự nhiên mà có. Dân chủ tự do là kết quả của sự đấu tranh không ngừng nghỉ của xã hội. Đã đến lúc từ người dân đến chính quyền cần có hành động thiết thực để thiết lập một xã hội công bằng đúng nghĩa, mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi người. Nhiệm vụ của lãnh đạo nhà nước là thực hiện xã hội công bằng và đáp ứng các nguyện vọng của nhân dân cho những tiến bộ xã hội, thay vì gây bất công và cản đường trước những thay đổi nhất thiết. Bảo vệ quyền công dân là nhiệm vụ của chính phủ, và bãi nhiệm chính phủ mất uy tín là nhiệm vụ của công dân.
Tương tự, một bản hiến pháp của toàn dân không tự nhiên đến, cũng không thể chờ ai ban phát. Chúng ta cần tranh đấu công khai và tiến tới đối thoại thực tế.

Đảng Dân chủ Việt Nam luôn sẵn sàng cùng với các tổ chức, đoàn thể và toàn thể nhân dân khôi phục lại quyền làm chủ cho nhân dân. Cuộc tranh đấu vì mục tiêu dân chủ, xã hội công bằng là chính nghĩa và thiết thực – thiết thực cho bản thân, gia đình, cho toàn xã hội, và thiết thực cho tương lai của đất nước. 
Dân chủ cần đồng hành không nói suông, và dân chủ cần đồng thanh hơn là đơn lẻ. Một khi đã đồng thanh thì khó có một thế lực nào có thể không đáp ứng nguyện vọng của đại thể nhân dân. Tham gia đề xuất sửa đổi hiến pháp hiện nay và đòi hỏi hiến pháp phải được nhân dân phúc quyết trước khi ban hành là việc làm thực tiễn, hợp lý và nhất thiết của công dân.

Năm 2012, Đảng Dân chủ Việt Nam thấy rằng đất nước cần trở lại với tinh thần Hiến pháp dân chủ 1946 trong công cuộc soạn thảo sửa đổi hiến pháp kỳ này. Không thể trì hoãn thêm nữa, đã chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân” thì việc phải ban hành hiến pháp của toàn dân là nhất thiết và tiên quyết. Đó là điều đất nước đang cần. 
Một lần nữa, sự chuẩn mực của hiến pháp là hệ trọng cho cả xã hội, cả tương lai của dân tộc. Và năm 2012 là khởi điểm thuận lợi cho Việt Nam tiến tới một hiến pháp của toàn dân.

Nhân dịp Tết Nhâm Thìn 2012, Đảng Dân chủ Việt Nam kính chúc muôn nhà hạnh phúc, xã hội thịnh vượng và đất nước an bình.

Mùng một Tết Nhâm Thìn 2012

Đảng Dân chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình, Trưởng Ban Thường vụ

Xem bằng PDF

 

 

 

 

Share