Xếp hạng tham nhũng: Việt Nam tụt 11 bậc

Đảng Dân chủ Việt Nam: Độc đảng và độc quyền tất dẫn đến tập quyền và tham nhũng. Xã hội có cường quyền, tham nhũng thì có đấu tranh – đó là quy luật tự nhiên. Thực tế từ năm 1960 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (trước năm 1976 ẩn danh là Đảng Lao động) cầm quyền không còn tính chính danh. Vấn đề Đảng Cộng sản loại bỏ Hiến pháp gốc 1946, tước bỏ quyền làm chủ của nhân dân, tự soạn thảo và thông qua các Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2001 (sửa đổi) đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản cầm quyền nhưng không hợp thức. Đây chính là nguồn gốc gây ra các bất công và quốc nạn tham nhũng dai dẳng. Một nhà nước tiếm quyền của dân, không thông qua bầu cử công bằng, không tôn trọng và không có trách nhiệm với nhân dân nên có nhiều người trong xã hội nảy sinh ý muốn xóa bỏ hệ thống nhà nước tham nhũng, hại dân là điều không khó hiểu. Chính vì vậy mà đã có ý kiến từ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản rằng nếu không đổi mới chính trị thì không thể đánh bại được tham nhũng.

Tuy vậy, quan điểm của Đảng Dân chủ Việt Nam về vấn đề này rất rõ ràng: Đảng Dân chủ không phải là thế lực thù địch của bất cứ ai. Mục tiêu của Đảng Dân chủ không phải lật đổ bất kỳ chính quyền nào, mà là hoạt động ôn hòa nhằm thúc đẩy cho Việt Nam sớm có một hiến pháp dân chủ để xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập, và nhân bản trong một nền kinh tế sinh động.

***

Theo chỉ số nhận thức tham nhũng 2012 (CPI) vừa được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố, Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 11 bậc so với năm ngoái.

CPI 2012 cho thấy tham nhũng vẫn tiếp tục tàn phá nhiều xã hội trên thế giới.

Có tới 2/3 trong tổng số 176 quốc gia có điểm số dưới 50 (thang điểm bắt đầu từ 0 – tham nhũng nhiều nhất – tới 100 – quốc gia ‘sạch’ nhất).

“Sau một năm tập trung vào vấn đề tham nhũng, chúng tôi hy vọng các chính phủ thực hiện quan điểm cứng rắn hơn chống lại lạm dụng quyền lực. Chỉ số nhận thức tham nhũng 2012 cho thấy, các xã hội tiếp tục phải trả giá cao cho tham nhũng”, Chủ tịch TI Huguette Labelle nói.

Việt Nam tụt hạng

Việt Nam, Lào và Trung Quốc đã tụt hạng đáng kể trong bảng xếp hạng năm nay. Triều Tiên vẫn tiếp tục là quốc gia tham nhũng nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ so với vị trí 112 một năm trước đây. Bảng xếp hạng năm 2011 của TI có 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ở đồ thị thứ hai về mức độ nhận thức tham nhũng trong lĩnh vực công, Việt Nam đạt 31 điểm. Năm ngoái, Việt Nam được 2,9 điểm trong thang điểm từ 0-10.

Theo đánh giá của TI, kinh tế Việt Nam đang có nhiều bất ổn trong bối cảnh xảy ra hàng loạt vụ bê bối ở các tập đoàn và sự quản lý kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước khiến giới đầu tư lo ngại. Chính phủ Việt Nam gần đây đã tăng cường nỗ lực chống tham nhũng, bắt giữ một số nhà điều hành ngân hàng cũng như doanh nghiệp nhà nước.

Nước ‘sạch’ nhất chú trọng điều chỉnh hành vi quan chức

Trong CPI năm nay, Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand đứng ở vị trí hàng đầu với điểm số 90, nhờ có sự tiếp cận mạnh mẽ hệ thống thông tin và những quy định rõ ràng trong điều chỉnh hành vi của những người nắm giữ các vị trí nơi công quyền.

Thụy Điển, Hà Lan, Đức và Anh nằm trong số 20 quốc gia ít tham nhũng nhất. Mỹ thăng hạng lên thứ 19 so với 24 trong năm ngoái.

Nước cuối bảng: Thiếu lãnh đạo có trách nhiệm

Afghanistan, Triều Tiên và Somalia lần nữa xếp cuối bảng. Kết quả như vậy là do các nước này thiếu tầng lớp lãnh đạo có trách nhiệm cao và các thể chế công hiệu quả – theo TI.

Điều đáng nói là năm nay, nhiều quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng bị “xướng danh” ở thứ hạng tồi. Hy Lạp trở thành quốc gia tham nhũng nhất châu Âu với vị trí 94.

Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tuy có điểm số trên 50 nhưng vẫn bị tụt hạng. Điều này cho thấy sự ổn định kinh tế liên quan chặt chẽ tới một chính phủ tốt. “Chúng tôi tin rằng, tham nhũng trong lĩnh vực công thường xuyên đi kèm với sự thất bại của các tổ chức”, Edda Müller, phụ trách văn phòng tại Đức của TI cho biết. “Cùng lúc đó, chúng tôi thấy, không chỉ ở châu Âu, tại những quốc gia khác với thứ hạng thấp có liên quan đến sự thiếu đạo đức của một số chính trị gia”.

Bà dẫn một danh sách các tài khoản của người Hy Lạp gửi ở một ngân hàng Thụy Sĩ bao gồm một cựu bộ trưởng Văn hóa, một số quan chức bộ Tài chính và một số lãnh đạo doanh nghiệp.

Thái An tổng hợp
Nguồn: VNN

***

VIỆT NAM XẾP THỨ 123/176 VỀ CHỈ SỐ CẢM NHẬN THAM NHŨNG

Ngày 5-12, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2012, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trên cơ sở cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công.

Theo đó, Việt Nam đứng thứ 123, đạt 31/100 điểm (nằm trong số 2/3 các nước có điểm số dưới 50).

Trong lần xếp hạng này, Đan Mạch, Phần Lan, New Zealand đạt điểm số cao nhất là 90 điểm, nhờ các hệ thống cho phép tiếp cận thông tin mạnh mẽ và các quy định có hiệu quả trong điều chỉnh hành vi của công chức. Còn Afghanistan, Triều Tiên, Somalia đồng hạng chót bảng, cùng 8 điểm. Trong khu vực quanh Việt Nam, Trung Quốc được xếp thứ 80, so với Malaysia đứng thứ 54, Thái Lan 88, Indonesia 118, Campuchia 157, Lào 160.

Đáng chú ý, các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính nay rơi vào nhóm có vị trí kém trong bảng chỉ số CPI 2012.

Giới thiệu kết quả nghiên cứu này, Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) – cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam nhận định CPI 2012 một lần nữa khẳng định lại những đánh giá của lãnh đạo Việt Nam cũng như cảm nhận và trải nghiệm chung của người dân về tham nhũng. Theo đó, nếu không có những hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và trừng trị thì tham nhũng sẽ tác động tiêu cực hơn nữa đến sự phát triển của nền kinh tế đồng thời làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.

So với các năm trước, CPI 2012 được xây dựng với nhiều cải tiến. Thay vì thang điểm 10, lần này bộ chỉ số được lập trên cơ sở 13 nguồn dữ liệu khảo sát của các tổ chức độc lập, có uy tín trên thế giới, thể hiện chính xác hơn qua thang điểm 100. Vì vậy, điểm số 2012 không thể so sánh với điểm số các năm trước (CPI 2011, Việt Nam xếp thứ 112 – tăng bốn bậc so với 2010).

Cũng liên quan đến chủ đề tham nhũng, hôm nay các nhà tài trợ quốc tế sẽ đối thoại lần thứ 11 với CP. Đối thoại lần này tập trung vào vấn đề PCTN ở cấp tỉnh – thực tiễn và giải pháp. Thay vì thảo luận công tác PCTN theo từng lĩnh vực kinh tế-xã hội như các năm trước, chủ đề đối thoại lần này sẽ phân tích, đánh giá các nỗ lực PCTN ở địa phương, đồng thời sẽ chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy toàn diện công tác PCTN ở Việt Nam.

Nghĩa Nhân, theo Pháp luật

Share