Đảng Dân Chủ Việt Nam: Bản đề xuất khung soạn thảo hiến pháp của toàn dân (II)

Phần 2: Tổng Quan Về Các Quan Niệm Cơ Bản Về Hiến Pháp Của Toàn Dân

Một bản Hiến pháp của toàn dân cần phải là một bản Hiến pháp công minh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, kiến tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp trị về lâu về dài. Tam quyền phân lập để có kiểm soát và đối trọng quyền lực phải là nguyên tắc tổ chức Nhà nước cơ bản của một xã hội dân chủ, pháp trị.

Các thiết chế đang vận hành, cả ở cấp trung ương và địa phương, không dễ để cải cách một sớm một chiều. Vì vậy, bản Hiến pháp được sửa đổi cần phải cân bằng giữa một mô hình lý tưởng và tính thực tế của mô hình đó. Các sửa đổi Hiến pháp cần được xây dựng dựa trên tình hình thực tế, các nhu cầu của đất nước theo nguyện vọng của người dân và ý kiến của các chuyên gia. Một số biện pháp chuyển tiếp có thể cần thiết để các thiết chế có thời gian thích ứng và đào tạo nhân lực đáp ứng với cách vận hành của mô hình mới – nhất là hệ thống Tòa án và chính quyền địa phương.

Để góp phần giải quyết các vấn nạn xã hội ở Việt Nam hiện nay, bản Hiến pháp của toàn dân cần phải đáp ứng các nguyên tắc cơ bản sau đây:

1. Các điều khoản nhân quyền phù hợp với Công pháp quốc tế, nêu rõ các giá trị của con người và bảo vệ các cá nhân và các nhóm xã hội;

2. Cơ chế tam quyền phân lập để tạo kiểm soát và cân bằng quyền lực, giữa các thiết chế nhà nước trung ương, cũng như giữa trung ương và địa phương. Cơ chế đó phải dung hòa được hai nhu cầu, giữa một bên là sự minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, và một bên là sự nhanh nhạy và hiệu quả của các cơ quan đó. Để Nhà nước thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân và biến những nguyện vọng của nhân dân thành chính sách và luật, không một nhánh quyền lực Nhà nước riêng biệt nào hoặc một đảng chính trị nào, thiểu số hay đa số, được độc quyền “chiếm giữ” và nhân danh Nhà nước hoạt động cho lợi ích đảng phái. Để đạt mục tiêu đó, mỗi nhánh của bộ máy Nhà nước phải làm việc để kiểm soát và đối trọng các nhánh còn lại.

3. Một cơ chế thi hành và bảo vệ Hiến pháp – một Tòa án Hiến pháp – để áp dụng các quyền hiến định, giải thích Hiến pháp và đảm bảo sự tôn trọng Hiến pháp của các nhánh quyền lực của chính phủ. Nếu thiếu một cơ chế bảo hiến, bản Hiến pháp sẽ chỉ là những điều luật trong sách vở mà không phát huy được vai trò bảo vệ quyền con người và chống lạm quyền.

(còn tiếp)

Ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Ban Nghiên cứu Hiến pháp: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, Luật sư Nguyễn Tường Bá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Việt, Luật sư Trần Minh Quốc, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, và các cộng sự.

———

Xem phần I: Đảng Dân chủ Việt Nam: Bản đề xuất khung soạn thảo hiến pháp của toàn dân (I)

Xem bản PDF: http://www.mediafire.com/view/?3ywqepes2sxuxsy

Xem thêm trên trang web tại: http://ddcvn.info/t%c6%b0-li%e1%bb%87u-van-ki%e1%bb%87n/dang-dan-chu-viet-nam-gioi-thieu-de-xuat-soan-thao-hien-phap-cua-toan-dan/

Share