Góp ý Hiến pháp khác với trưng cầu dân ý

Đảng Dân chủ Việt Nam: Thủ tục sửa đổi Hiến pháp đang bị dư luận thách thức, khi nhà nước Việt Nam mới chỉ công bố bản dự thảo cho nhân dân góp ý, mà không đề cập gì đến vấn đề trưng cầu dân ý. Trong hai bài viết rất đúng thời điểm, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã chỉ rõ rằng, góp ý khác với trưng cầu dân ý. Hiến pháp, theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, là một bản “khế ước xã hội”, do nhân dân – những con người tự do, thoả thuận làm ra, đặt vào đó những quy tắc bất khả xâm phạm để có thể chung sống trong hòa bình và để minh định quyền lực nhà nước – một thiết chế do nhân dân lập ra và trao một số quyền lực nhất định để phụng sự xã hội. Như vậy, bản Hiến pháp phải là của nhân dân. Mà chỉ khi nhân dân phê chuẩn Hiến pháp, thì bản Hiến pháp mới đáng được gọi là bản Hiến pháp của nhân dân. Nếu không nó sẽ chỉ là một văn bản do nhà cầm quyền áp đặt. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sau khi đã chỉ rõ sự khác biệt trong thủ tục giữa góp ý và trưng cầu dân ý, cũng khẳng định,tự do và công khai tranh luận trong quá trình góp ý, cùng với việc trưng cầu dân ý minh bạch, có giám sát của quốc tế là hai thủ tục quan trọng như nhau để “Hiến pháp thực sự là Hiến pháp”.

Rõ ràng, khi chế độ luôn hô hào kiến tạo “nhà nước do nhân dân làm chủ”, không có lý do nào có thể nguỵ biện cho việc nhà cầm quyền Việt Nam cố tình xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, từ chối tổ chức trưng cầu dân ý minh bạch để nhân dân phê chuẩn Hiến pháp. Nhất là khi chính nhân dân đang mạnh mẽ lên tiếng đòi hỏi quyền làm chủ đất nước của mình phải được tôn trọng.   

***

Khế ước xã hội

Nguyen Si Dung-Hien phapVề mặt kỹ thuật, nói Hiến pháp là một khế ước xã hội, thì không có nghĩa là cả xã hội phải tham gia soạn thảo văn bản này. Việc soạn thảo Hiến pháp vẫn phải do giới tinh hoa của dân tộc đảm nhận.

Hiến pháp trước hết cần được nhìn nhận như một bản khế ước xã hội. Dưới đây là những lý do cơ bản vì sao.

Trước hết, nếu tất cả chúng ta đều sinh ra tự do, nhưng đều phải phối hợp hành động để tồn tại, thì những nguyên tắc, những khuôn khổ hành xử chung là bắt buộc phải có. Vấn đề là chúng ta bắt buộc phải có những nguyên tắc, những khuôn khổ chung này bằng cách nào. Cách thứ nhất là chúng ta tự thỏa thuận về chúng. Cách thứ hai là chúng ta bị áp đặt về chúng. Theo cách thứ nhất, chúng ta vẫn tiếp tục là những con người tự do. Theo cách thứ hai chúng ta không còn là những con người tự do nữa. Hiến pháp là đạo luật cơ bản với những nguyên tắc, những khuôn khổ hành xử chung nhất (kể cả những nguyên tắc, khuôn khổ hạn chế quyền tự do của cá nhân). Vì vậy, chúng ta chỉ có thể vẫn là những con người tự do nếu chúng ta được tự thỏa thuận về Hiến pháp.

Thứ hai, một bản Hiến pháp chỉ thực sự hiệu năng khi nó trở thành một thứ “kinh thánh” thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Muốn được như vậy thì nó không thể bị áp đặt. Bạn yêu tha thiết đứa con của mình nhiều khi không hẳn chỉ vì nó xinh đẹp, mà chủ yếu là vì nó do bạn sinh ra. Thế thì Hiến pháp cũng vậy. Bản Hiến văn phải là đứa con tinh thần của chúng ta, là sự kết tinh của trí tuệ, đạo đức và văn hóa tâm linh của tất cả những công dân sống trên đất nước Việt Nam. Chúng ta sản sinh ra Hiến pháp, thỏa thuận với nhau về các quy định của Hiến pháp, về các quyền và nghĩa vụ của mình, thì chúng ta tuân thủ và đấu tranh đến cùng để bảo vệ Hiến pháp.

Ba là, chúng ta là gần 90 triệu người, 54 dân tộc, nhiều tôn giáo và thành phần xã hội khác nhau. Chúng ta rất chung, mà cũng rất riêng. Lợi ích của chúng ta cũng có nhiều điểm rất chung và có những điểm rất riêng. Chỉ một bản khế ước xã hội với sự tham gia xây dựng và thỏa thuận của tất cả mọi người và giữa tất cả mọi người, cái chung và cái riêng của tất cả chúng ta mới được cân nhắc đủ thận trọng, đủ cân bằng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới củng cố được khối đại đoàn kết của mình và có được sự phát triển bền vững, hài hòa. Không có Hiến pháp tốt một cách chung chung, chỉ có Hiến pháp tốt theo nghĩa được tuyệt đại đa số người Việt chúng ta chấp nhận.

Bốn là, với tư cách là một bản khế ước xã hội, Hiến pháp mới có thể tạo cho tất cả người Việt chúng ta một vị thế bình đẳng- bình đẳng với nhau và bình đẳng với Nhà nước. Tất cả chúng ta đều có những quyền và nghĩa vụ như nhau. Nhà nước được chúng ta phân chia quyền lực chỉ ở mức độ và trong phạm vi cần thiết để phụng sự cho công chúng. Nhà nước được chúng ta phân chia cho quyền lực và phải chịu trách nhiệm trước chúng ta, chứ không phải Nhà nước ban phát quyền cho chúng ta và chúng ta phải phục vụ Nhà nước. Đây cũng là lý do tại sao Hiến pháp thường quy định cụ thể hơn chế tài đối với các cơ quan Nhà nước hơn là các công dân.

Về mặt kỹ thuật, nói Hiến pháp là một khế ước xã hội, thì không có nghĩa là cả xã hội phải tham gia soạn thảo văn bản này. Việc soạn thảo Hiến pháp vẫn phải do giới tinh hoa của dân tộc đảm nhận. Vấn đề là những người này phải thể hiện bản hiến văn như một khế ước xã hội, và người dân phải được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và phê chuẩn bản hiến văn đó.

Nguyễn Sĩ Dũng
Nguồn: Tia Sáng

***

Lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu dân ý

Ngày 2-1-2013 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được công bố để lấy ý kiến nhân dân trong ba tháng. Nhiều người lẫn giữa việc lấy ý kiến của nhân dân và việc trưng cầu dân ý. Hãy thử làm rõ sự khác biệt này.

Hiến pháp là của ai? Ai là người quyết định về Hiến pháp và họ quyết định thế nào? Đáng tiếc những vấn đề cơ bản như vậy từ rất lâu vẫn bị hiểu nhầm.

Từ điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng 2011 và các từ điển trước đó khá lâu) vẫn định nghĩa hiến pháp là “đạo luật cơ bản của nhà nước, quy định chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước”. Có lẽ những người soạn dự thảo lần này cũng vẫn hiểu lầm như thế.

Nếu muốn xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì mọi quyền lực phải thuộc về nhân dân. Hiến pháp không phải là của nhà nước, mà là của nhân dân. Trong Hiến pháp nhân dân là chủ thể, là người quyết định, là những người trao quyền cho nhà nước (phân quyền cho các nhánh nhà nước như lập pháp, hành pháp và tư pháp) đến mức nào và như thế nào để bảo vệ các quyền tự do và sự hạnh phúc của người dân. Đấy là quyền tối cao của nhân dân. Như thế nhân dân là người quyết định Hiến pháp. Đối tượng của Hiến pháp (đối tượng phải thi hành, phải tuân thủ Hiến pháp và bị hạn chế quyền lực bởi Hiến pháp)  chính là nhà nước chứ không phải người dân.

Tất nhiên, việc đòi hỏi tất cả nhân dân cùng tham gia vào soạn ra Hiến pháp là việc bất khả thi.

Nhân dân có thể ủy thác cho các nhóm không quá đông người (có thể là một Quốc hội lập hiến hay các nhóm có chức năng như vậy) để soạn ra (các) dự thảo Hiến pháp.

(Các) dự thảo đó phải được công bố công khai để nhân dân góp ý và thảo luận trong một thời gian đủ dài.

Trên cơ sở góp ý và thảo luận công khai đó (các) dự thảo cuối cùng được hoàn thiện (tốt nhất là: (a) chỉ có 2 dự thảo hoàn chỉnh cuối cùng; hay (b) có 1 dự thảo với một số điều cốt lõi mà mỗi điều có 2 lựa chọn khác nhau; hoặc (c) có 1 dự thảo hoàn chỉnh duy nhất) để đưa ra trưng cầu dân ý.

Trong trưng cầu dân ý tất cả các công dân bằng lá phiếu của mình đều có quyền lựa chọn: (a) tán thành (một trong 2) bản dự thảo; hoặc (b) tán thành từng lựa chọn của các điều cơ bản của một dự thảo; hay (c) tán thành hoặc bác bỏ một dự thảo hoàn chỉnh duy nhất.

Việc bỏ phiếu phải được diễn ra một cách tự do và việc kiểm phiếu phải được giám sát chặt chẽ (bởi người dân, báo chí, đại diện của các tổ chức quốc tế) để tránh sự gian lận. Kết quả Hiến pháp được thông qua sẽ là: (a) bản dự thảo nào được đa số cử tri tán thành; hay (b) dự thảo Hiến pháp với các điều khoản cơ bản theo đúng lựa chọn của đa số; hoặc (c) dự thảo duy nhất được đa số cử tri tán thành hay Hiến pháp cũ (nếu dự thảo duy nhất này bị đa số bác bỏ).

Chỉ với việc quyết định của nhân dân, thông qua trưng cầu dân ý như trên, thì Hiến pháp mới thực sự là Hiến pháp.

Như thế có thể thấy hai khâu “lấy ý kiến của dân” và “trưng cầu dân ý” là 2 khâu tách biệt và đều rất quan trọng.

Không có lấy ý kiến của nhân dân, không có thảo luận công khai hay không có đủ thời gian để thảo luận công khai về (các) dự thảo, để hình thành (các) dự thảo cuối cùng sẽ dẫn đến một Hiến pháp không tốt, không tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân và như thế có thể gây chia rẽ, có hại cho sự phát triển của đất nước.

Việc thông qua Hiến pháp bằng trưng cầu dân ý ở Ai cập vừa qua là một thí dụ như vậy. Tại Ai Cập đã có trưng cầu dân ý, nhưng đã không có sự tham gia, lấy ý kiến, thảo luận của nhân dân (hay các nhóm khác nhau) để hình thành bản dự thảo cuối cùng đưa ra trưng cầu dân ý. Khi không có sự thảo luận công khai để cho các ý kiến khác nhau đối chọi với nhau, thì người dân thiếu thông tin và rất dễ nhầm trong lựa chọn (tán thành hay bác bỏ) của mình.

Chúng ta để 3 tháng lấy ý kiến nhân dân. Để cho việc lấy ý kiến được hiệu quả thì việc khuyến khích thảo luận, tranh luận công khai về nội dung của dự thảo là hết sức quan trọng.

Nếu không có thảo luận, tranh luận mà mỗi người chỉ viết ra ý kiến của mình và gửi cho ban soạn thảo thì việc lấy ý kiến rất dễ biến thành hình thức. Không có sự cọ xát, thậm chí sự đối đầu kịch liệt của các ý kiến khác nhau thì không thể hình thành các nhóm ý kiến chính được phản ánh trong 2 lựa chọn của bản dự thảo cuối cùng, khiến cho việc tiếp thu ý kiến là không thể. Ban soạn thảo dẫu có 5 đầu 6 tai cũng không thể đánh giá, phân loại ý kiến của hàng triệu người. Thiếu thảo luận, thiếu tranh luận tự do và công khai hay cản trở việc hình thành các nhóm khác nhau có các ý kiến khác nhau để giúp cho quá trình lấy ý kiến được hiệu quả thể hiện trong các dự thảo cuối cùng, thì việc lấy ý kiến của nhân dân dễ trở thành hình thức, tốn tiền của, công sức và vô ích.

Sau khi đã có thảo luận, tranh luận để hình thành (các) dự thảo cuối cùng mà nhân dân không được quyết định thông qua lá phiếu của mình, thì Hiến pháp, dẫu có được 100% “đại biểu” thông qua, cũng không phải là Hiến pháp thực sự để tạo ra một nhà nước của dân, do dân, vì dân nhằm hạn chế quyền lực của nhà nước và bảo vệ các quyền tự do của người dân.

Việc khuyến khích nhân dân góp ý, thảo luận, tranh luận là rất đáng hoan nghênh. Sau ba tháng nên hoàn chỉnh (các) dự thảo và đưa ra cho toàn dân quyết định. Làm được vậy là một bước tiến lớn để xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân và  góp phần hết sức quan trọng để làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Nguyễn Quang A
Nguồn:
Lao động Cuối tuần

 

 

 

Share

2 Responses to “Góp ý Hiến pháp khác với trưng cầu dân ý”

Read below or add a comment...

  1. nguyễn tường bá says:

    Chúng ta,những người yêu chuộng dân chủ trong nước cũng như toàn thể thế giới dân chủ hoàn toàn đồng ý và ủng hộ quang điểm và lý luận của tác giả Nguyễn Quang A .
    Không có góp ý ,không có tranh luận tự do và đồng thời bóp chết tự do ngôn luận bằng điều 88 Bộ luật hình sư.cùng
    bặt giam hàng loạt các nhà báo,nhà tranh đấu.Nhà cầm quyền đang cản trở hình thành một Hiến pháp chính danh
    và tỏ bộ mặt độc đoán chuyên chế ngày càng đáng ghét trước nhân dân và thế giới dân chủ ngày nay.
    Nguyễn Tường Bá

Trackbacks

  1. […] Đảng Dân chủ Việt Nam: Thủ tục sửa đổi Hiến pháp đang bị dư luận thách thức, khi nhà nước Việt Nam mới chỉ công bố bản dự thảo cho nhân dân góp ý, mà không đề cập gì đến vấn đề trưng cầu dân ý. Trong hai bài viết rất đúng thời điểm, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã chỉ rõ rằng, góp ý khác với trưng cầu dân ý. Hiến pháp, theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, là một bản “khế ước xã hội”, do nhân dân – những con người tự do, thoả thuận làm ra, đặt vào đó những quy tắc bất khả xâm phạm để có thể chung sống trong hòa bình và để minh định quyền lực nhà nước – một thiết chế do nhân dân lập ra và trao một số quyền lực nhất định để phụng sự xã hội. Như vậy, bản Hiến pháp phải là của nhân dân. Mà chỉ khi nhân dân phê chuẩn Hiến pháp, thì bản Hiến pháp mới đáng được gọi là bản Hiến pháp của nhân dân. Nếu không nó sẽ chỉ là một văn bản do nhà cầm quyền áp đặt. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sau khi đã chỉ rõ sự khác biệt trong thủ tục giữa góp ý và trưng cầu dân ý, cũng khẳng định,tự do và công khai tranh luận trong quá trình góp ý, cùng với việc trưng cầu dân ý minh bạch, có giám sát của quốc tế là hai thủ tục quan trọng như nhau để “Hiến pháp thực sự là Hiến pháp”. […]