Nhận định Pháp luật Tháng 03/2013: Thấy gì từ vụ án Đoàn Văn Vươn về nhu cầu pháp quyền và hệ thống tam quyền phân lập

Đảng Dân chủ Việt Namdangky3
Văn phòng Trung ương
Ban Vận động Xây dựng Nhà nước pháp quyền
Ngày 15 tháng 4, 2013

Nhận định Pháp luật Tháng 03/2013: 

Thấy gì từ vụ án Đoàn Văn Vươn về nhu cầu pháp quyền và hệ thống tam quyền phân lập

Ngày 5/4/2013 Tòa án Nhân dân Hải Phòng đã tuyên án ông Đoàn Văn Vươn và gia đình phạm tội giết người với mức án phi lý năm (5) năm tù dành cho “người đầu vụ” là Đoàn Văn Vươn và các mức án khác nhau dành cho năm người “đồng phạm” còn lại.  Tất cả đều trong một gia đình.

Một tuần sau, cũng tại tòa án này, năm quan chức tổ chức vụ cưỡng chế phi pháp và phi nhân ở huyện Tiên Lãng đã bị xét xử, nhưng kết quả chỉ là mức án tượng trưng ba (3) năm tù cho “người đầu vụ” trong khi bốn quan chức còn lại đều được hưởng án treo.  Chắc chắn trong đợt đặc xá sắp tới đây, người chịu ba năm tù đó sẽ được trả tự do sớm.  Họ chẳng bao giờ dại dột kháng cáo bản án hình thức này.

Xét về phương diện xã hội, sự phản kháng của gia đình ông Vươn có nguồn gốc từ sự bất lực và vô tâm của hệ thống tư pháp Việt Nam trước các khiếu nại bền bỉ và liên tục của gia đình ông nhằm bảo vệ mảnh đất vốn được vun đắp từ công sức của các thành viên trong gia đình từ nhiều năm.  Ông Vươn trước tiên đã sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết sự bất công đối với mình.  Điều đó chứng tỏ ông biết tôn trọng luật pháp và nhà cầm quyền.  Tiếc thay, nhà cầm quyền không tôn trọng ông và các quyền luật định của ông.

Tiếp đến, sự phản kháng của ông Vươn còn xuất phát trực tiếp từ sự vi phạm pháp luật trắng trợn của nhà cầm quyền sở tại khi hàng trăm nhân viên công lực được vũ trang đầy đủ đã xua đuổi gia đình ông khỏi nơi cư trú hợp pháp của mình bằng vũ lực, đồng thời hủy hoại toàn bộ tài sản mà gia đình ông đã gầy dựng trên mảnh đất ấy bằng công sức khó nhọc trong nhiều năm.

Xét về phương diện pháp lý, toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn đều có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự theo pháp luật hiện hành.  Tuy nhiên, tòa án đã phớt lờ sự vi phạm ấy bởi các cơ quan tiến hành tố tụng, bất chấp lập luận và đề nghị điều tra lại của các bị cáo và luật sư của họ.  Điều này dễ hiểu, bởi lẽ tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đã diễn một vở kịch theo kịch bản được soạn thảo từ trước.

Các phiên xử do đó đều diễn ra nhanh chóng và mang tính chất hình thức, nhưng vẫn sớm kết thúc với bản án bất công đã định sẵn dành cho những người nông dân cùng khổ, ngay tình, và bản án chạy tội lộ liễu viết sẵn dành cho những quan chức vô lương tâm và vô tri trước tình cảnh không lối thoát của dân chúng mà chính họ đã đẩy họ vào.

Như vậy, các bản án “bỏ túi” theo kiểu “án tại hồ sơ” nói trên chỉ nhằm mục đích hợp pháp hóa hành động áp bức mà nhà cầm quyền đã và đang thực hiện trên toàn thể dân tộc đang câm lặng này nói chung và các nông dân chân chất nói riêng.  Mức án nặng mà gia đình ông Vươn phải gánh chịu là hệ quả tất yếu của lối phán quyết không màng đến công lý vẫn nhan nhản trong hệ thống tư pháp của Việt Nam.

Như nhiều ý kiến đã phân tích, vụ án Đoàn Văn Vươn sẽ mãi được nhắc đến trong nhiều thập kỷ về sau bởi những khía cạnh pháp lý và chính trị nổi bật sau đây, nhất là khi Việt Nam đang trong tiến trình sửa đổi, và thậm chí phải thay thế, bản hiến pháp độc đảng lỗi thời vẫn tồn tại trên hai mươi năm qua:

1.  Bản án dành cho Đoàn Văn Vươn và gia đình ông đã công nhiên tước đoạt của người dân quyền bảo vệ tài sản của họ và phương tiện thực thi quyền ấy bằng luật pháp, trong khi ở các nước khác quyền tư hữu đất đai là quyền hiến định bất khả xâm phạm của công dân.

2.  Bản án ấy là hệ quả tất yếu của một hệ thống tài phán không độc lập, mà việc xét xử của “tòa án nhân dân” thực chất chỉ là công cụ trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lực và tiền bạc của họ.  Điều đó trái ngược với một nền tư pháp lành mạnh, vốn luôn là pháo đài kiên cố mà mọi can thiệp từ phía chính quyền và các đảng chính trị vào hoạt động xét xử của nó đều bất khả.

3.  Bản án ấy cho thấy thể chế tam quyền phân lập hoàn toàn bị bác bỏ bởi quan niệm lỗi thời về chế độ toàn trị chuyên chính, không phải của giai cấp công nhân và nhân dân lao động như nhà cầm quyền vẫn rêu rao, mà là của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm kéo dài độc quyền cai trị đất nước thêm nữa.

4.  Bản án ấy nghiễm nhiên khuyến khích việc sử dụng vũ lực của các lực lượng vũ trang trong việc đàn áp mọi phản kháng từ phía dân chúng, trước tiên trên lĩnh vực đất đai và sau đó trong mọi sinh hoạt dân sự, kinh tế và chính trị của xã hội.  Điều này đáng báo động trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đang đẩy toàn bộ xã hội Việt Nam và các tầng lớp nhân dân vào con đường bần cùng hóa.

         Đã hơn hai thập niên từ khi sửa sai đổi mới, dù nhà cầm quyền Việt Nam hô hào xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng những đòi hỏi cơ bản của nhà nước pháp quyền vẫn chưa được đáp ứng.  Công trình chuyển đổi bản chất của nhà nước, từ vai trò ban phát sang vai trò phục vụ nhân dân, là một xu thế và quy luật phát triển tất yếu.  Một hệ thống pháp luật hoàn thiện và có cơ chế đảm bảo thi hành hiến pháp và pháp luật hữu hiệu không chỉ ngăn chặn tình trạng lạm quyền, tham nhũng, mà hơn thế, còn thúc đẩy phát triển toàn diện, tiến tới xây dựng xã hội công bằng.  Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa, để khẳng định vị thế của một nhà nước, tiến hành xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trong sự tương thích với luật pháp quốc tế là một đòi hỏi hàng đầu.

Đảng Dân chủ Việt Nam
Đại diện
Ban vận động Xây dựng Nhà nước Pháp quyền
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường
Luật sư Trần Minh Quốc

 

 

 

 

 

Share

One Response to “Nhận định Pháp luật Tháng 03/2013: Thấy gì từ vụ án Đoàn Văn Vươn về nhu cầu pháp quyền và hệ thống tam quyền phân lập”

Read below or add a comment...

  1. Nguyễn Tường Bá says:

    Cách đây 3 năm đảng Dân Chủ Việt Nam đã đề cung một hiến pháp thích hợp đáp ứng thực trạng đất nước và nay 72 nhà trí thức công khai đề nghị như vậy.Nhưng nhà cầm quyền đang
    tìm cách né tránh thoái thác.
    Cách đây 5 năm đảng Dân Chủ Việt Nam phục hoạt và cũng bị đàn áp tù đầy .
    Nguyễn Tường Bá