Sau 40 năm, chế độ toàn trị cần được thay bằng chế độ dân chủ

Trong một bài viết mới đây, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa khẳng định phải tiếp tục sự “lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội”, và phải “kiên quyết đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn ‘phi chính trị hóa’ quân đội của các thế lực thù địch.”

Nếu thật sự Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo “đúng đắn, sáng tạo” thì câu chuyện đảo Gạc Ma bị mất vào ngày 14/3/1988 vào tay Trung Quốc trong khi hải quân Việt Nam được lệnh không nổ súng phải giải thích thế nào? Không dám nổ súng chống giặc, để lãnh hải rơi vào tay quân thù cũng là “đúng đắn, sáng tạo”?

Ngay hiện tại, ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản trên lãnh hải của mình, bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp bóc, nhưng hải quân Việt Nam lại không có khả năng bảo vệ ngư dân. Báo đài không dám đưa tin, nếu có đưa thì chỉ dám nói “tàu lạ”. Đó là tư thế của một nền báo chí trong một quốc gia “độc lập”?

Lý tưởng của chủ nghĩa xã hội là đem lại tự do, bình đẳng cho mọi người, không còn cảnh người bóc lột người. Thế tại sao các công dân không cộng sản lại phải phục tùng sự cai trị của các công dân là đảng viên cộng sản? Tại sao dân thường phải đi lính để bảo vệ cho đảng viên cộng sản? Đảng viên cộng sản có bị buộc phải phục tùng dân thường không? Đó là sự công bằng kiểu chủ nghĩa xã hội?

Là công dân, dù cộng sản hay không cộng sản thì cũng đều bình đẳng với nhau. Không thể có chuyện thanh niên cả nước phải đi lính để bảo vệ cho một nhóm người có đặc quyền, đặc lợi. Quân đội chỉ phục tùng mệnh lệnh từ vị lãnh đạo do dân bầu ra, đó mới đúng là thể chế cộng hòa chính danh.

Ông Trọng viết: “Đặc điểm lớn nhất và cũng là nét độc đáo của cách mạng nước ta từ tháng 7-1954 đến tháng 5-1975, đó là Đảng ta đã thực hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.”

“Đi lên CNXH” thì xã hội ngày càng phải văn minh hơn, tham nhũng ít hơn, dân quyền ngày càng tự do hơn, nhưng thực tế thì “tham nhũng đang ngày càng tăng và lan qua cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.” Làm sao đi lên CNXH với một thể chế tham nhũng, bất công rộng khắp?

TS Trần Ngọc Thơ khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa tư bản thân hữu chứ chưa có chủ nghĩa tư bản dân tộc tử tế ở Việt Nam!…Chỉ thấy phe cánh, lobby trong bóng tối, với việc nhóm tư bản thân hữu ngày càng thắng thế còn các doanh nghiệp chân chính chỉ sống lây lất.”

“Chúng ta nói là kiên trì theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thực tế chỉ thấy sự dư thừa tư bản hiện đang lấn át xã hội chủ nghĩa. Các chỉ dấu cho thấy sự lấn át này mà người dân ai cũng có khả năng nhận biết: một mặt là sự tiêu dùng xa xỉ của tầng lớp thượng lưu hay hoạt động sân sau của quan chức ngày càng tăng và khó kiểm soát; mặt khác là hố sâu giàu nghèo ngày càng gia tăng đáng ngại, với việc các hệ thống lừa đảo kiểu ponzi, cho vay nặng lãi ngày càng phổ biến để tước đoạt chút thu nhập ít ỏi của những người tuyệt vọng.”

Nếu lãnh đạo đảng cộng sản tự nhận là “sáng suốt, tài tình” thì ngay tại sao những lý thuyết quá lỗi thời vẫn được rao giảng, thậm chí đưa cả vào hiến pháp? Trong khi các chuyên gia đã chứng minh chúng “không có cơ sở khoa học và lịch sử”.

TS. Nguyễn Đức Thành thẳng thắn: “Một chiến lược trước hết phải xuất phát từ tư tưởng. Cần phải dứt khoát thay đổi lối quan niệm lỗi thời, không có cơ sở khoa học và lịch sử, rằng một nền kinh tế có thể phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế dựa trên một khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Lại càng sai lầm hơn khi cho rằng các doanh nghiệp nhà nước có thể là công cụ để điều tiết nền kinh tế. Có thể hiểu đó là một di sản đáng tiếc của lịch sử, khi những nhận thức sai lầm tiếp tục được tái tạo mà vốn khởi nguồn từ quá khứ nhập khẩu lý luận chưa bao giờ được thực tiễn chứng minh.”

Lời giải cho hiện trạng đất nước chắc chắn không phải là “kiên trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản”, vì chính từ sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã dẫn đến hiện tình đất nước như hiện tại với tham nhũng và bất công rộng khắp.

TS. Trần Ngọc Thơ đã đưa ra lời giải: “chúng ta cần là một nền kinh tế thị trường đúng với ý nghĩa của nó nhất và một thể chế tự do, dân chủ, minh bạch và biết thượng tôn pháp luật.”

Nguyễn Tiến Trung

Share

One Response to “Sau 40 năm, chế độ toàn trị cần được thay bằng chế độ dân chủ”

Read below or add a comment...

  1. Hãy cùng Nhà lãnh đạo trẻ Nguyễn Tiến Trung ,từng bước xây dựng một Việt Nam không còn Độc tôn ,không còn Độc đảng và không còn Độc tài.
    Nguyễn Tường Bá
    Cựu Tổng Thư Ký Luật Sư Đoàn Saigon 1975
    Cố vấn đảng Dân Chủ Việt Nam,cố vấn đảng Nhân Dân Hành Động.