Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp? (II)

Phần 2: Sự thay đổi nhận thức về bản chất của Hiến pháp – “thể chế hóa đường lối của đảng lãnh đạo” hay “khế ước xã hội”.

Xem thêm: Phần 1 – Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp?

Xem toàn bài: Đảng Dân chủ Việt Nam giới thiệu đề xuất soạn thảo hiến pháp của toàn dân

Về bản chất, bản Hiến pháp hiện nay kế thừa mô hình Hiến pháp Sô-viết, coi Hiến pháp là sự thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong khi đó, trong một Nhà nước pháp quyền, Hiến pháp phải là một khế ước xã hội, trong đó nhân dân thỏa thuận trao quyền cho Nhà nước, cùng với các điều kiện hạn chế quyền lực của Nhà nước và đảm bảo các quyền cơ bản của con người và công dân. Việc xác định lại bản chất và vai trò của bản Hiến pháp trong hệ thống chính trị cũng chính là để trả lời câu hỏi mà cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An[vi] đã đặt ra: “Ai là chủ đất nước?” Trả lời câu hỏi này có ý nghĩa quyết định trong việc xác định bản chất của một bản Hiến pháp chúng ta cần, cấu trúc của hệ thống quyền lực mà bản Hiến pháp đó đặt ra, cơ chế bảo vệ quyền con người, cũng như các điều khoản sửa đổi Hiến pháp. Nếu đã gọi Hiến pháp là “thể chế hóa đường lối lãnh đạo” thì rõ ràng đó là một bản Hiến pháp áp đặt và người dân hoàn toàn bị động trong quá trình làm ra và thực thi bản Hiến pháp đó – đó cũng chính là những gì đã xảy ra trong bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 – bị động đến mức quyền phúc quyết Hiến pháp được minh định trong bản Hiến pháp 1946 cũng bị tước bỏ mà nhân dân không hề được lên tiếng. Bên cạnh đó, Hiến pháp 1946 là một bản Hiến pháp dân chủ, có tam quyền phân lập, không hề đề cập đến nguyên tắc dân chủ tập trung. Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 chọn nguyên tắc dân chủ tập trung làm nền tảng, thay đổi cả một hệ thống tổ chức Nhà nước mà không hề được nhân dân phúc quyết thông qua!

Chưa bao giờ người dân nuối tiếc và nói nhiều về bản Hiến pháp 1946 như hiện nay. Nuối tiếc Hiến pháp 1946 cũng là nuối tiếc một cơ chế chính trị tiên tiến và không thua kém các nước văn minh trên thế giới. Nuối tiếc Hiến pháp 1946 cũng là hối tiếc các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 vốn được tiếp thu một cách vội vã từ mô hình Liên Xô, “thể hiện quan điểm chủ quan, giản đơn, duy ý chí”[vii] mà “những khủng hoảng xuất hiện sau Hiến pháp 1980 là rất to lớn và cho đến nay vẫn chưa thể nào khắc phục hết được.”[viii] Cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đặt ra câu hỏi “Ai là chủ đất nước”, tưởng như hiển nhiên mà lại không hiển nhiên chút nào. Bản Hiến pháp 1946 quy định rõ “quyền phúc quyết về hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia,” trong khi đó Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 quy định Quốc hội mới là cơ quan có quyền lập hiến và lập pháp. Đó là “sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội. Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình.”[ix] Đó là chưa kể, “hiện nay khoảng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Do vậy mà nhiều người cho rằng, về hình thức thì Quốc hội quyết, song thực chất là Đảng quyết. Quyết định của Quốc hội chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ Đảng. Như vậy là từ Dân chủ đầy đủ chuyển sang Quốc hội chủ một phần, Dân chủ một phần, song cả Dân và Quốc hội đều còn hình thức nên nhiều người cho rằng Đảng mới thực quyền.”[x]

Giáo sư Đào Trí Úc[xi] đưa ra quan điểm về bản chất xã hội của Hiến pháp: “Bản chất xã hội của các Hiến pháp ngày nay phản ánh một giai đoạn mới của chủ nghĩa lập hiến hiện đại. Theo đó, các quốc gia cố gắng tìm kiếm những phương thức thể hiện lợi ích vì một sự đồng thuận xã hội để phát triển, nhất là trong bối cảnh xung đột sắc tộc, tôn giáo, chính trị, kinh tế, đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Vì vậy, Hiến pháp đã được trao trở lại sứ mệnh của một bản khế ước về mặt pháp lý của các lực lượng xã hội mà đối tượng điều chỉnh trọng tâm là sự thoả hiệp lợi ích giữa các giai tầng xã hội, các lực lượng xã hội. Mức độ của sự tương hợp lợi ích có thể rất khác nhau và đó là cơ sở để mỗi bản Hiến pháp xác định cho mình phương pháp điều chỉnh hợp lý. Các mức độ đó có rất nhiều loại. Đó có thể là sự liên minh của các lực lượng tuy có khuynh hướng chính trị và lợi ích khác nhau nhưng thân thiện và hợp tác hữu nghị; cũng có thể đó là sự thoả hiệp ở những lợi ích nhất định của các lực lượng đối lập nhau và vì vậy, sự thoả hiệp xã hội được Hiến pháp ghi nhận là kết quả của quá trình vừa đấu tranh, vừa hợp tác giữa các lực lượng xã hội. Lẽ đương nhiên, phản ánh mối quan hệ như vậy, Hiến pháp không thể chỉ đứng về phía lợi ích của một lực lượng mà luôn phải tìm thế cân bằng về lợi ích, mặc dù trên thực tế ở bất kỳ quốc gia và dân tộc nào thì trong xã hội luôn luôn có những lực lượng, những lợi ích giữ vị trí ưu thế.”[xii]

Theo giáo sư Đào Trí Úc, “ở Việt Nam, Hiến pháp cũng đã phát triển theo hướng phản ánh những giá trị cao quý của dân tộc, của nhân dân. Đó là truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất (Lời nói đầu, Hiến pháp năm 1992); “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “ấm no, tự do, hạnh phúc”, con người “có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3 Hiến pháp năm 1992).”[xiii] Nói một cách khác, sự chuyển đổi từ bản chất “giai cấp” của Hiến pháp đến một thời điểm lịch sử là cần thiết và phải được thừa nhận. Như vậy, nhận thức về Hiến pháp và chủ quyền tối cao của nhân dân đã tiến một bước dài, lại gần hơn với xu thế chung của thế giới.

(còn tiếp)

Ngày 31 tháng 12 năm 2010

 Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Ban Nghiên cứu Hiến pháp: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, Luật sư Nguyễn Tường Bá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Việt, Luật sư Trần Minh Quốc, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, và các cộng sự.

———

Chú thích:

[vi] Ông Nguyễn Văn An là chủ tịch Quốc Hội Việt Nam nhiệm kỳ 2001-2006.

[vii] SGTT, Tinh Thần Hiến Pháp – phỏng vấn TS Nguyễn Đình Lộc, 2007.

[viii] Id.

[ix] TuanVietnNam, Cựu chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp, 2010.

[x] Id.

[xi] GS.TS Đào Trí Úc là giảng viên khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam.

[xii] Đào Trí Úc, Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, 2010.

[xiii] Id.

Share