Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp? (I)

Phần 1: Lời nói đầu

Đến nay, việc sửa Hiến pháp đã là một việc cấp bách. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, sự tác động của toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế đã khiến cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp là một trong những đòi hỏi cấp thiết. Từ những cải cách rời rạc, cục bộ trong lĩnh vực kinh tế và một vài lĩnh vực khác, “gây mâu thuẫn, chồng chéo, kém hiệu lực trong tổng thể,” đã “nảy sinh ra nhu cầu cải cách hệ thống pháp luật nói chung, lĩnh vực kinh tế nói riêng.”[i] Từ năm 2007, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa 12 đã khẳng định: “không thể không tính đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về những nội dung liên quan, cụ thể là: xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp; luật hóa cơ cấu tổ chức của Chính phủ; định hướng cải cách tư pháp lấy tòa án làm trọng tâm, tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; nghiên cứu chuyển viện kiểm sát thành viện công tố; vấn đề giao Thủ tướng chính phủ thẩm quyền điều động, bổ nhiệm chủ tịch UBND cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp trên điều động, bổ nhiệm chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; việc thí điểm nhân dân bầu chủ tịch xã; bỏ HĐND ở quận, huyện, phường…”[ii]

Xem thêm: Đảng Dân chủ Việt Nam giới thiệu đề  xuất soạn thảo hiến pháp của toàn dân

Như vậy, hầu hết các dự án cải cách luật pháp và tư pháp đều đòi hỏi sửa đổi Hiến pháp. Trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 12 mùa hè 2010, đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu cấp bách sửa đổi Hiến pháp ngay trong năm 2010 để cải cách bãi bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện phường có thể tiếp tục. Tuy chỉ là một đề nghị hết sức hạn chế và cuối cùng đã không được thông qua, nhưng đề xuất đó làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi trong giới trí thức và trên truyền thông về vai trò của Hiến pháp trong một Nhà nước do Nhân dân làm chủ và nguyện vọng sửa đổi căn bản và toàn diện bản Hiến pháp 1992 hiện hành.[iii] Cuộc thảo luận sôi nổi về Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp đã bắt đầu từ lâu và đi sâu, đi xa hơn những định hướng sửa đổi cục bộ nêu trên của Quốc hội rất nhiều.

Một câu hỏi chính đáng cần được đặt ra: có phải bản Hiến pháp hiện nay, ngay từ nguyên tắc cơ bản và lý thuyết nền tảng đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại? Chỉ khi nào chúng ta nhìn thẳng và nhìn sâu vào bản chất của sự việc, dũng cảm nhận ra và vượt qua khỏi sự thiếu sót trong cơ chế đã ràng buộc đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta mới có thể có sự bứt phá trong cải cách cơ chế, kiến tạo một bộ máy Nhà nước hài hòa, trong sạch, hạn chế, lấy dân làm gốc, trọng hiền tài và khơi nguồn sáng tạo của dân tộc. Từ hiểu đúng, chúng ta mới có thể có đề xuất đúng và kiên quyết làm đúng ngay từ đầu. Điểm khởi đầu đó chính là một bản Hiến pháp của toàn dân.

Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng,”[iv] nhất là khi “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.”[v] Các tổ chức, hội đoàn có thể có chính kiến khác biệt, nhưng đó “là bình thường.” Điều quan trọng là điểm chung mà người Viêt Nam chúng ta cùng chia sẻ: lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, và khát vọng kiến tạo đất nước Việt Nam hùng mạnh. Điểm chung đó nên là động thực thôi thúc chúng ta ngồi lại cùng nhau, thay vì tiếp tục chia rẽ vì ý thức hệ. Trên tinh thần xây dựng và hướng tới đối thoại đó, Đảng Dân Chủ Việt Nam mong muốn góp phần vào cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp – một cải cách có ảnh hưởng sâu rộng cho cơ chế chính trị của đất nước về lâu về dài.

Chúng tôi sẽ phân tích các thiếu sót cơ bản của bản Hiến pháp hiện nay và sự bất hợp lý của nó trong thời đại mới: từ quyền làm chủ thực sự của nhân dân trong hệ thống chính quyền đến vai trò của bản Hiến pháp; từ sự bất cập của nguyên tắc dân chủ tập trung như là nguyên tắc cơ bản của tổ chức Nhà nước đến nhu cầu cần có cơ chế tam quyền phân lập; từ sự thiếu sót trong cơ chế bảo vệ quyền của người dân đến nhu cầu cần có các điều khoản nhân quyền tiên tiến và Tòa án Hiến pháp. Sau khi phân tích thiếu sót hiện tại của cơ chế bộ máy Nhà nước, các nhu cầu cải cách hiển hiện, chúng tôi cho rằng một sự sửa đổi căn bản và toàn diện là cần thiết. Hơn cả, không quyền lực nào được hạn chế chủ quyền tối cao của người dân trong việc đề xướng và phúc quyết Hiến pháp với tất cả các sự sửa đổi mà nhân dân và công luận cho là cần thiết. Sửa đổi Hiến pháp để bản Hiến pháp trở thành của Toàn dân, là như vậy.

(còn tiếp)

Ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đảng Dân Chủ Việt Nam
Nguyễn Sĩ Bình và Ban Nghiên cứu Hiến pháp

Ban Nghiên cứu Hiến pháp: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường, Luật sư Nguyễn Tường Bá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Ánh, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Việt, Luật sư Trần Minh Quốc, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, và các cộng sự.

————-

Chú thích:

[i] Ngô Huy Cương, Cải Cách Hệ Thống Pháp Luật Kinh Tế: Một Số Vấn Đề Lý Luận và Thực Tiễn Cơ Bản, Tạp chí Nghiên cứu Lập Pháp, 2008.

[ii] Tuổi Trẻ online, Đã Đến Lúc Sửa Hiến Pháp, 8/10/2007.

[iii] Vietnamnet, Sẽ Sửa Hiến Pháp Ngay Cuối Năm Nay, 2010.

[iv] BBC Việt ngữ, BBC phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt, 2007.

[v] Id.

Share

One Response to “Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp? (I)”

Read below or add a comment...

Trackbacks

  1. […] Xem thêm: Phần 1 – Tại sao Việt Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện hiến pháp? […]