Việt–Trung–Mỹ: Cuộc chiến an ninh hàng hải

Ngày 2 tháng Mười vừa qua, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đây là một bước quan trọng bậc nhất trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa nước hai cựu thù kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao gần hai thập kỷ trước đây. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rõ ràng rằng quyết định này chỉ liên quan đến việc trao đổi hệ thống giám sát hàng hải vì Việt Nam đã phần nào đáp ứng cũng như cải tiến trong hồ sơ nhân quyền của nước này.

Việc Washington thay đổi chính sách được xem như một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường an ninh hàng hải với Hà Nội giữa lúc Bắc Kinh đang ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong các vụ tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Nhiều người cho rằng động thái của Hoa Kỳ một phần được thúc đẩy bởi việc Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu nước sâu khổng lồ gần quần đảo Hoàng Sa hồi tháng Năm vừa qua, nơi mà cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều tuyên bố có chủ quyền.

Nhưng các quan chức Hoa Kỳ đã cố gắng sức để giảm nhẹ vai trò gần đây của Trung Quốc trong việc đưa ra quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Một quan chức cấp cao Hoa Kỳ cho biết quyết định này được đưa ra ‘vì khu vực này thiếu vắng khả năng hàng hải và Hoa Kỳ muốn lấp đầy khoảng trống đó’. Ông nói thêm: “Đây không phải để đối phó với hành động cụ thể hoặc cuộc khủng hoảng nào vào lúc này. Đây cũng không phải là động thái chống Trung Quốc’.

Từ lâu, các quan chức Hoa Kỳ đã tạm đình chỉ bàn về lệnh cấm vận này. Họ cho rằng Hà Nội trong nhiều thập niên qua đã phụ thuộc vào Nga, và vì vậy các lãnh đạo cộng sản nước này chỉ muốn Hoa Kỳ chấp thuận việc dỡ bỏ lệnh cấm vận chứ chưa thực sự muốn mua các thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. Nhưng kể từ đầu năm 2014, các quan chức Hoa Kỳ cho biết rằng Việt Nam đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến việc mua radar và các loại thiết bị giám sát do Hoa Kỳ sản xuất.

Tầm quan trọng về mối quan hệ Việt–Mỹ cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Hà Nội trong việc tận dụng lợi thế mới của mình như thế nào để mua các thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. Chính sách mới này sẽ cho phép Việt Nam mua tàu tuần tra biển và máy bay giám sát. Loại máy bay giám sát Lockheed P-3 Orion có trang bị sonar để theo dõi các hoạt động ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, bao gồm khả năng phát hiện tàu ngầm Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sau khi Hoa Kỳ thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, Trung Quốc đã liên tục tung ra các các chuyến thăm ngoại giao với Hà Nội. Đây là một trong những nỗ lực rõ ràng nhằm lôi kéo các quan chức Việt Nam ra khỏ quỹ đạo quân sự của Hoa Kỳ. Vào cuối tháng Mười vừa qua, Dương Khiết Trì đã thăm Việt Nam và mở các cuộc họp cấp cao, trong đó hai bên nhất trí để xoa dịu căng thẳng ở khu vực Biển Đông. Một tuần trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã dẫn đầu một đoàn đại biểu quân sự cấp cao tới Bắc Kinh để tiếp tục đàm phán. Họ đã đồng ý thiết lập đường dây nóng khẩn cấp giữa hai Bộ Quốc phòng để tránh tình trạng leo thang tương tự như đã xãy ra liên quan đến giàn khoan dầu mà Trung Quốc đã gây ra hồi tháng Năm.

Hiện nay thì Việt Nam đang nắm cơ hội trong tay và việc này sẽ tiếp tục gây thêm tranh luận giữa các giới chức lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội, dù họ có thực sự muốn mua vũ khí từ các công ty của Hoa Kỳ hay không. Điều mà các lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam lo lắng trong những năm qua là nếu Hà Nội nâng cấp quan hệ quân sự với phía Hoa Kỳ thì sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc gia tăng áp lực lên Việt Nam và tỏ ra quyết đoán hơn ở Biển Đông. Đây cũng được xem như một mối khiêu khích mà Hà Nội muốn tránh.

Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí đã giúp gia tăng mối quan hệ ngoại giao gần gũi hơn giữa Hà Nội và Washington, vốn đã cải thiện đáng kể kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Hai nước hiện đang cố gắng thúc đẩy quan hệ thương mại và đâu tư mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng là hai trong mười hai quốc gia hiện đang đàm phán về hiệp định kinh tế TPP. Hai bên cũng muốn thúc đẩy mối quan hệ gần gũi giữa hai nhân dân trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng hiện nay còn nhiều điều cần phải làm. Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh quan hệ quân sự với Việt Nam thông qua việc gửi tàu hải quân thăm các cảng nước này thường xuyên hơn. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng muốn tăng cường hợp tác tuần tra hải quân chung, đặc biệt trong các lĩnh vực như tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, Việt Nam đang rất thận trọng trong các lĩnh vực này. Hà Nội muốn Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương nhưng Hoa Kỳ cho biết việc này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực cải thiện tình trạng nhân quyền của chính quyền Việt Nam.

Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí là bước tiếp theo trong nỗ lực của Washington nhằm gia tăng mối quan hệ với các nước ở Đông Nam Á và giúp Việt Nam tăng cường khả năng giám sát hàng hải trong khu vực Biển Đông. Chính sách của Hoa Kỳ hiện đã vượt ra khỏi giới hạn kêu gọi tự do hàng hải và đàm phán để giải quyết các tranh chấp. Hoa Kỳ thực sự đang mở rộng sự ảnh hưởng bằng cách giúp đỡ các nước dọc theo khu vực Biển Đông để tăng cường khả năng hàng hải.

Bảo Anh chuyển ngữ, Phía Trước / Murray Hiebert, CSIS

________

Murray Hiebert là thành viên cao cấp và Phó Giám đốc Ban Sumitro Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

* Tựa đề do CTV Phía Trước đặt

© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Share

One Response to “Việt–Trung–Mỹ: Cuộc chiến an ninh hàng hải”

Read below or add a comment...

Trackbacks

  1. […] click here for Vietnamese / Đọc bản tiếng Việt tại […]