Về hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhận định của T.N.M., đảng viên Đảng Dân chủ Việt Nam từ Hà Nội

Trước tình hình kinh tế đất nước suy sụp và tài sản quốc gia bị thất thoát do tham nhũng, lãnh đạo yếu kém và thiếu trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung ương Đảng Cộng sản đã phải họp khẩn. Đây là hội nghị trung ương đặc biệt, kết thúc vào ngày 15 tháng 10 năm 2012, có 3 điểm đáng chú ý:

Điểm thứ nhất: Sau hai tuần lễ họp khẩn trương, hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói “Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân”. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như nghị quyết trung ương 4 đã nêu, đồng thời “đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị”. Nhưng Ban chấp hành Trung ương đã không giải quyết theo đề nghị của Bộ Chính trị. Cũng không khó hiểu, không ai tự chặt tay mình.

Về điểm này công luận chưa thấy hội nghị nêu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam xin lỗi về những lỗi cụ thể mà họ đã sai phạm và cũng không thấy người làm sai đứng ra chính thức xin lỗi. Chỉ nghe nói người phạm lỗi đó là “đồng chí X”, một ủy viên Bộ Chính trị. Vậy X có thể là bất cứ ai trong 14 vị đó. Nhưng nếu đồng chí X phạm lỗi là người “đứng đầu chính phủ” mà không có lời nào trước quốc dân thì cuộc họp khẩn, tự phê bình, phê bình hay luận tội đó là vô nghĩa. Vấn đề phải họp khẩn như vậy chỉ là để bảo vệ cơ chế bất minh đã tồn tại quá lâu, đồng chí X dù đã sai phạm nhưng cũng vẫn là nạn nhân của cơ chế nhà nước bất minh đó. Cho nên, thay vì họp xử lý đồng chí X, cuộc họp đó đáng lẽ cần thông suốt và thống nhất thay đổi cơ chế nhà nước cho phù hợp với nhà nước của dân, do dân, vì dân, bắt đầu bằng việc thông qua bản hiến pháp của toàn dân, chấm dứt tình trạng tiếm quyền của dân.

Đã gây hại xã hội hệ trọng trong suốt thời gian dài mà chỉ có lãnh đạo đảng xin lỗi thế cho nhau, chính phủ thì không xin lỗi nhân dân và cuối cùng cũng không thấy ai nhận lãnh trách nhiệm. Dù đã gây đại họa cho đất nước, nhân dân cơ cực, nhưng cuối cuộc họp dường như ai cũng được thưởng, mọi người vui vẻ, dĩ hòa vi quý – chỉ có nhân dân là phải gánh chịu những hậu quả.

Điểm thứ hai: Về phê bình và tự phê bình. Theo thông tin ghi nhận, Ban Cán sự Đảng Cộng sản Việt Nam của chính phủ đã làm tốt trên tất cả các mặt được yêu cầu tự kiểm điểm. Kết quả kiểm điểm phê bình và tự phê bình do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo ngày 19 tháng 9 thì nội các của ông có ưu điểm và thành tích nổi trội hơn nhiều so với khuyết điểm và thiếu sót. Về đạo đức lối sống, các đảng viên trong chính phủ cũng ‘không suy thoái’, ‘không cục bộ, bè phái’, ‘không lợi ích nhóm’ và kiên quyết đấu tranh chống ‘tham nhũng lãng phí’. Vấn đề là, thông báo của chính phủ thì đảng bộ chính phủ đã làm tốt nhưng Trung ương thì lại họp khẩn trương, tiếp tục tự phê bình, phê bình và rồi xin lỗi. Xin lỗi có thật tâm hay không thì phải xem xét thái độ và hành động tiếp theo. Vậy người dân nên tin chính phủ, tin lãnh đạo đảng hay tin ai? Nếu các viên chức, đảng viên Đảng Cộng sản chỉ dựa vào phê bình và tự phê bình thì có cần đến nhà nước pháp quyền, điều hành xã hội bằng pháp luật?

Điểm thứ ba:  Đổ lỗi cho thế lực thù địch. Thế lực thù địch có biển thủ công quỹ hay gây hại cho quốc gia làm thất thoát nhân sách, lạm phát triền miên hay lũng đoạn kinh tế, tài chánh để lại hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu cho quốc dân? Thế lực thù địch làm sao tham nhũng và nuôi dưỡng tham nhũng thành quốc nạn lâu nay? Còn nói dối, lừa mị nhân dân trên truyền hình, đài phát thanh, báo chí nhà nước thì do thế lực nào đứng phía sau? Các lãnh đạo cộng sản nên làm rõ vấn đề này. Rõ ràng họ lo sợ “thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá” nên đã tìm biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Cuộc họp vừa qua tốn kém ngân sách quốc gia, nhưng chính là để tìm cách bảo vệ quyền lợi và quyền lực của giới lãnh đạo đang bị lung lay chứ không phải lo cho vận mệnh đất nước hay vì quyền lợi của nhân dân. Như vậy, có phải đã rõ ràng sự hiện hữu và hoạt động của “thế lực thù địch” đã trở thành nhu cầu của xã hội thịnh vượng và là cơ chế giám sát nhất thiết của nhân dân?

Cần nêu rõ phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh” là: Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền không chính danh. Điểm này nhiều đảng viên đã biết nhưng không mấy ai dám lên tiếng. Cần đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, không né tránh nhưng không có giải pháp cho vấn đề thì có ý nghĩa gì? Hỏi có khi nào đảng đã tổ chức bầu cử công bằng? Vậy lý do nào đảng tự nhận là cầm quyền hợp thức? Hơn nữa, cầm quyền thì phải được nhân dân tự nguyện trao quyền thông qua bản hiến pháp của toàn dân. Điều kiện nhất thiết này có khi nào được đảng chấp nhận và thực hiện, ngoài thói quen áp đặt hiến pháp và pháp luật lên đầu người dân. Chính vì cầm quyền không chính danh, áp đặt hiến pháp của một đảng, lừa mị, làm lẫn lộn đảng là nhà nước, cho nên mới xảy ra đại họa như hôm nay và vấn nạn này sẽ còn tiếp diễn. Áp đặt hiến pháp, cầm quyền không chính danh là cái gốc của vấn đề. Nhà dột phải sửa từ nóc. Bộ Chính trị cần tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và hóa giải tình trạng cầm quyền không chính danh đó.

Kết luận: Lộng quyền, tham nhũng, trấn áp đối lập, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân chính là thế lực thù địch của nhân dân. Ngoài ra, các lực lượng tranh đấu vì mục tiêu dân chủ, xã hội công bằng không thể xem nhau là thế lực thù địch. Chấp nhận cơ chế nhà nước công khai minh bạch là bài toán khó cho các lãnh đạo cộng sản, nhưng lại là giải pháp nhất thiết của xã hội công bằng, thể hiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Share

2 Responses to “Về hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam”

Read below or add a comment...

Trackbacks

  1. […] định của T.N.M., đảng viên Đảng Dân chủ Việt Nam từ Hà […]